Tử tù kỳ lạ và 'trại mèo' trong buồng giam

ANTĐ - Sau 12 năm khắc khoải chờ đợi cái chết, thêm một lần nữa, Đặng Văn T. được ban tặng một đặc ân. Ngày được cứu sinh đó, T. đã khóc rất nhiều…

Cùng mèo làm bạn, viết thơ làm vui

Đặng Văn T. nổi danh là tử tù kỳ lạ có một không hai với “trại tiểu hổ”. Ban đầu, một cán bộ trại giam cho T. con mèo để nuôi cho khuây khỏa, sau những ngày liên tiếp rơi vào tình trạng trầm cảm, chỉ lủi thủi một mình trong buồng giam.

T. đặt tên nó là Mương. T giải thích vì từ mương ám chỉ cho sự cơ cực của anh những năm tháng nằm trong trại giam.

Con mèo Mương rất ngoan, mà có một điều đặc biệt, nó chỉ lớn đủ để chui qua lỗ thoát hơi trên cánh cửa sắt ra ngoài, không to hơn cũng không bé hơn, như nó được sinh ra để gắn bó với T.

Sau này, Mương sinh được 3 đứa con được T. đặt tên là Xe, Pháo, Mã. T kể chuyện trại mèo của mình như một bà vú nuôi mát tay: “Kể từ ngày có thêm Xe, Pháo, Mã căn phòng biệt giam của tôi trở nên nhộn nhịp hơn. Và để chăm sóc cho chúng nó tôi cũng có phần bận rộn hơn. Sự có mặt của 4 mẹ con nhà mèo đã làm cho tôi có cảm giác như mình đang sống ở gia đình”.

Đặng Văn T.
Đặng Văn T.

Cho đến một ngày, con Mương không về nữa, nó bị rơi xuống bể nước của trại giam mà chết. T xót xa trước cái chết của “đứa con” mình: “Việc Mương ra đi để lại cho tôi một sự trống trải rất lớn. Ngày ngày tôi phải làm việc thay Mương 'nuôi dạy' lũ mèo con khôn lớn. Thú thật đối với tôi, mẹ con Xe, Pháo, Mã không chỉ là những con mèo thông thường, mà chúng nó chính là những người bạn tri kỉ”.

Có đợt, sức khỏe của T. bị sa sút nghiêm trọng cần phải điều trị trong trạm xá trại. Xong vừa ôm quần áo chăn màn lên bệnh xá được hai tiếng đồng hồ thì T. xin về buồng giam ngay vì lo mấy con mèo không có ai chăm sóc.

T. kể: “Tôi trở lại buồng giam vào lúc 17 giờ, thấy tôi về Xe, Pháo, Mã vui mừng quấn lấy tôi, riêng Mã thì trèo lên bục chồm lên người tôi cà râu. Còn Pháo thì luôn dụi vào chân tôi đòi ăn. Sáng hôm sau, lần đầu tiên sau 12 năm tôi bị phê bình, tôi xin lỗi và thưa không thể bỏ rơi Xe, Pháo, Mã được trong khi đó bác sỹ nói bệnh phải điều trị thời gian dài mới khỏi”.

Mấy con mèo như hiểu được hoàn cảnh của người chăm sóc mình, chúng quấn quýt cả ngày bên T., chẳng bỏ đi đâu. Cũng do T. dạy bảo, mà con Mã có màn cà râu, con Xe có màn vồ bắt bóng chiếm được tình cảm của rất nhiều người.

Những lúc ngồi một mình, T. lại ôm Mã vào lòng và lo lắng không biết đến ngày phải ra pháp trường đền tội, thì những con mèo sẽ sống ra sao? Ai sẽ nuôi nấng, chăm sóc chúng?

Những ngày ở trong trại giam, ngoài việc làm bạn với mèo, T. còn dành thời gian để làm thơ. T tâm sự: “Dù cho thơ tôi còn lủng củng nhưng đó cũng là niềm vui của tôi. Thơ tôi chủ yếu mang tính tự sự và nói lên nỗi lòng và tâm trạng thật của mình”.

T. làm thơ để tạ tội với cha mẹ, làm thơ để bày tỏ lòng biết ơn với các cán bộ trại giam, và làm thơ để tự an ủi chính mình vượt qua những đau khổ, mất mát. Đúng như T. nói, thơ của T. đôi chỗ còn ngô nghê, còn vụng nhưng những cảm xúc trong đó thì mộc mạc và chân thành.

Và đặc biệt, thơ của T. rất buồn, cái buồn của một tử tù gần kề cái chết đang phải hứng chịu từng giây phút cắn rứt của lương tâm, của một con người mang nợ với cuộc đời, với cha mẹ mà không sao trả được. 

Nỗi nhớ nhà, sự xót xa cho những vất vả khó khăn mà bố mẹ đang phải trải qua từ lỗi lầm của đứa con đã từng mang nặng đẻ đau nuôi lớn từng ngày, trong một đêm dù đã rất kìm nén nhưng những giọt nước mắt vẫn chảy dài trên mặt T, và anh làm một bài thơ tặng quê hương, cha mẹ: “Mười năm rồi xa quê hương đất tổ/ Xa gia đình và cả vợ thân yêu/ Biết bao đêm tôi âm thầm rơi lệ/ Khi nghĩ về bố mẹ và người thân”.

Ngày nhận bản án tử hình thứ hai từ người vợ thân yêu của mình, từ cảm xúc đau khổ đến cùng cực đó, T. cũng viết thơ về vợ, những câu thơ thô mộc, giản đơn nhưng chất chứa đầy tâm sự: “Bởi giờ đây em là vợ người ta/ Em đã quay lưng từ hôm hôm đó/ Bỏ tôi tiếp tục nai lưng gánh/ Nỗi khổ tội – tình thật đắng cay”.

Rồi khi nghe tin một cán bộ trại giam vẫn chăm lo bảo ban mình về hưu, T. đã rất hụt hẫng, bâng khuâng và lại làm thơ để biểu lộ hàm ơn với ông ấy: “Sáng mùa xuân bầu trời mây ảm đạm/ Từng đàn cò mỏi cánh bay xa/ Phải chăng chúng tìm nơi trú ngụ/ Hay bay về “cửa phủ” nghỉ ngơi? Biết rằng Ban về hưu là được nghỉ/ Nhưng thật lòng con chưa muốn Ban hưu/ Để mai này mang xuân đến cho con”.

Một sự 'ích kỷ' vừa buồn vừa thương. Mà hình như T. chỉ làm thơ mỗi khi buồn: lúc phải dứt lòng chia xa người vợ, lúc nhớ mẹ thương cha, lúc con Mương chết... như là những câu thơ ấy được cất ra từ một tâm hồn đang chịu đựng những vết thương sâu nặng.

Giống như nhà văn Phùng Quan đã viết: “Có những phút ngã lòng, Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.

Sau này, “Trại tiểu hổ” của T. ngày càng đông vui với sự xuất hiện thêm của Rooney, Totti và Beckham là lứa con đầu tiên của Pháo.

Lứa tiếp theo, T. đặt tên cho bốn đứa “cháu” của mình là Mùa, Xuân, Đã, Đến. Tên chúng như một cánh én chao lượn mang đầy nắng ấm mùa xuân, như một điềm báo an lành đến với cuộc đời của người tử tù mang tâm hồn của một nhà thơ và tràn đầy tình thương với trại mèo con bé nhỏ.

'Tôi đã òa khóc nức nở khi được tha tội chết'

Sáng ngày 23-6-2009, trong khi đang ăn dở gói phở của một “hàng xóm” buồng giam bên cạnh, Đặng Văn T. nhận được tin báo “xuống xiềng”.

Sau gần 12 năm sống trong nơm nớp lo sợ với thân phận tử tù, từng ngày đối mặt với cái chết, nhận được tin vui, anh mừng đến òa khóc: “Đang lễ phép đứng ở “chuồng cọp” tôi ôm chầm lấy cán bộ Tỵ và Viện không nói được câu gì. Bỗng hai hàng nước mắt tôi tuôn trào. 

Phòng biệt giam của T.
Phòng biệt giam của T.

Cán bộ Viện nói: Theo quy định không được phép ôm chúng tôi thế này, nhưng hôm nay là ngày anh được tái sinh lần thứ hai nên chúng tôi thông cảm. Tôi xin lỗi họ và òa khóc nức nở.

Dù đến 17 giờ chiều hôm đó tôi mới được đọc quyết định tha tội chết, nhưng trong ngày tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng”. 

Quyết định 848 QĐ /CTN của Chủ tịch nước về việc ân giảm cho Đặng Văn T. từ mức án tử hình xuống tù chung thân đã khai sinh lần thứ hai cho gã tử tù yêu động vật và thích làm thơ.

Thoát án tử hình, thoát cánh cửa của thần chết vẫn rình rập suốt 4.320 ngày ở phòng biệt giam, đó chính là kết quả của cả một quá trình phấn đấu cải tạo đặc biệt của T.

“Tối hôm đó, tôi được chuyển vào buồng giam số 3 ở cùng với 4 anh em thường án khác. Và tôi đã gần như thức trắng đêm. Tâm trạng vui buồn cứ lẫn lộn, suy nghĩ rất nhiều về những gì đã trải qua trong 12 năm đó, suy nghĩ về việc làm và tội lỗi mà tôi đã gây ra. Điều tôi băn khoăn và lo lắng nhất là số phận Xe, Pháo, Mã sẽ như thế nào? Vì chúng là những người bạn tri kỉ của tôi trong thời gian tôi thụ hình ở biệt giam”.

Chính đêm hôm đó, con mèo Pháo cắp mấy đứa con của nó sang buồng giam mới, hình như nó đã biết T. không về buồng giam nữa, nên cắp con sang ở cùng với anh. 

Sau gần một tháng kể từ ngày được “xuống xiềng”, Đặng Văn T. được chuyển đến Trại giam số 6. T ngồi ở khoang giữa của chiếc “xe thùng” ngày chuyển trại, anh ngắm nhìn xung quanh và tri ân với sự sống mà mình đã cố gắng giành lấy từng ngày.

“Tôi bắt đầu ngắm nhìn quang cảnh thành phố, rồi băng qua những cánh đồng bát ngát. Đồng quê quen thuộc đã làm cho tôi sống lại tuổi thơ. Ngắm khung cảnh thanh bình ở vùng ngoại ô, tôi có cảm giác là mình đang trên đường trở lại quê hương chứ không phải là đi cải tạo”.

T. đã phải trả giá xứng đáng cho những tội lỗi của mình gây ra. Gần 12 năm ngồi trong phòng biệt giam giành cho những tử tù, với những đêm giật mình kinh hãi và những giọt nước mắt khổ đau, hối cải, nó chính là hình phạt răn đe nghiêm khắc và cũng đầy bao dung dành cho T. 

T. đã sám hối, biết yêu thương, biết quan tâm và biết khao khát sống. Và có lẽ, quãng đời phía sau của T, sự sống mới thật sự bắt đầu, như chính bài thơ T. đã làm trong ngày hồi sinh: “Xuân đã về cây trái đã đơm hoa/ Bõ công lao những ngày ta vun xới/ Dù với ta đường về còn vời vợi/ Nhưng tin rằng rồi sẽ có ngày mai”.