Từ thực tiễn nhìn lại những giá trị thời đại để đi tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo, dìu dắt về mọi mặt, để từ đó phát triển khẳng định vị trí của mình là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước; lực lượng nòng cốt, xung kích của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Những lời huấn thị của Người đối với lực lượng Công an nhân dân, nhất là về công tác cán bộ luôn hàm chứa ý nghĩa sâu sắc trong giai đoạn hiện nay...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội và trân trọng những kết quả đã đạt được của cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội và trân trọng những kết quả đã đạt được của cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô

1. Những ngày tháng 3 này, chiếu rọi lại lịch sử, ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, lúc bấy giờ là Giám đốc Công an Khu XII. Bảy mươi tư năm trôi qua, lá thư đã ngả màu theo thời gian, nhưng những lời huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Công an nhân dân vẫn ấm nóng tình cảm, sự quan tâm của Người luôn hàm chứa ý nghĩa sâu sắc trong giai đoạn hiện nay. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ trong Công an nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến từ rất sớm. Từ đó về sau, trong nhiều phát biểu, bài viết, Thư gửi đến lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa ra những tiêu chí cần có ở người cán bộ, chiến sĩ Công an hết sức toàn diện, hệ thống; là ngọn đuốc soi đường, định hướng cho lực lượng Công an từng bước xây dựng, phát triển, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” - Lời dạy của Người là những giá trị đạo đức và tư cách mà người Công an cách mạnh phải có, phải giữ cho đúng, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện thì mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Kế thừa và tiếp nối, đồng chí Trần Quốc Hoàn, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của Việt Nam, người đã đặt nền móng vững chắc cho công tác xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của ngành Công an đã đặc biệt dành sự quan tâm, chỉ đạo trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ, tổng kết kinh nghiệm công tác, chiến đấu, xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ, vận dụng khoa học kỹ thuật vào công tác nghiệp vụ Công an… , góp phần “xây dựng một đội ngũ cán bộ Công an vững mạnh, sắc bén và nhạy bén”. Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong suốt gần 30 năm giữ cương vị “Tư lệnh ngành” đã nhiều lần nhắc nhở về ý nghĩa giáo dục sâu sắc, rộng lớn và bền vững trong Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân. Để rồi, câu nói nổi tiếng của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trở thành phương châm hành động cho mỗi cán bộ, chiến sĩ - “Công an phải biết thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Lời nhắc nhở ấy luôn đúng và có giá trị trường tồn. Muốn vậy, căn cốt vấn đề nằm ở cán bộ và công tác cán bộ. Bởi, cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự vững mạnh của ngành, là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”…

Công tác khen thưởng những cá nhân, tập thể có tác dụng nêu gương và lan tỏa, tạo tâm lý phấn khởi, hăng hái thi đua trong cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô (Trong ảnh: Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2021, triển khai công tác năm 2022)

Công tác khen thưởng những cá nhân, tập thể có tác dụng nêu gương và lan tỏa, tạo tâm lý phấn khởi, hăng hái thi đua trong cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô (Trong ảnh: Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2021, triển khai công tác năm 2022)

2. Tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phải xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đặc biệt xây dựng con người: “quân phải tinh, tướng phải mạnh”; có sức mạnh tổng hợp, phải đủ sức chiến thắng tất cả mọi tiêu cực, vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, anh dũng của Công an nhân dân Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh.

Thực tiễn, “xây dựng con người” - xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống, của toàn ngành, xuống đến tận cơ sở, cơ quan, đơn vị, hướng thẳng vào đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Trong bài viết “Xây dựng người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã nêu rõ: “Công tác xây dựng cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt và là khâu đột phá. Xác định xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, nhất là cán bộ cấp chiến lược vững vàng về chính trị, tinh thông pháp luật, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ”. Bởi lẽ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh lực lượng Công an nhân dân đang hoàn hiện Đề án “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII và trước những yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn đặt ra đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân.

Nhìn lại, những lời huấn thị, căn dặn, bài học lịch sử vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời đại. Nhìn lại để thẳng thắn nhận ra những hạn chế, tự soi, tự sửa, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm trong công tác, chiến đấu. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng từng chỉ rõ, chất lượng một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; còn để xảy ra một số vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, một số cán bộ trong ngành bị xử lý kỷ luật, tước danh hiệu… làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân. Đây là những bài học hết sức đau xót nhưng cũng rất quý giá đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Tự soi, tự sửa, lực lượng Công an Hà Nội nhận thấy đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định cần phải thay đổi. Mục đích cuối cùng của việc “nhìn lại bản thân” là để tự mình hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn với niềm tin của nhân dân Thủ đô, đảm bảo gánh vác sứ mệnh giữ bình yên nhịp đập “trái tim” của cả nước. Đó chính là nguyên do để Đảng ủy CATP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09 về “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an thành phố Hà Nội đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng CATP Hà Nội tại Hội nghị tổng kết công tác Công an và phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm 2021

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng CATP Hà Nội tại Hội nghị tổng kết công tác Công an và phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm 2021

3. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, là nơi có sự tác động, ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mặt khác, bước vào thời kỳ mới, trước những yêu cầu, mục tiêu mới của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, cán bộ và công tác cán bộ, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ “đông nhưng không mạnh”, có tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ.

Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập, hạn chế, yếu kém. Đó là, nhiều lãnh đạo, chỉ huy thiếu trình độ, năng lực không phù hợp; phần đông mới dừng ở mức “tròn vai”; thiếu hụt “chuyên gia đầu ngành” có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu; một bộ phận có tinh thần trách nhiệm, sự trăn trở, tâm huyết với công việc không cao, thiếu chủ động, sáng tạo; có lãnh đạo, chỉ huy thiếu tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, giảm sút ý chí chiến đấu; còn có không ít cán bộ có tư tưởng phải “chạy chức, chạy quyền”; công tác bổ nhiệm cán bộ chưa quán triệt nguyên tắc “vì việc mà chọn người”; “sản phẩm” công tác, chiến đấu cụ thể của cán bộ chưa được đề cao; công tác bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức… còn né tránh, chưa sàng lọc, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực để vận hành theo cơ chế “có lên, có xuống, có vào, có ra”; công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát, hướng dẫn của cấp trên đối với cấp dưới trong thực hiện các nội dung công tác cán bộ chưa thường xuyên, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương chưa được siết chặt…

Trước tình hình trên, Đảng ủy CATP Hà Nội yêu cầu phải xây dựng, củng cố lại đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Với phương châm “nỗ lực phải lớn”, “quyết tâm phải cao”, “hành động phải quyết liệt”, Nghị quyết 09 được thực hiện một cách toàn diện trên bằng sự “thông suốt trong nhận thức, thống nhất trong hành động”, “đi trước, mở đường”, “làm đến đâu chắc đến đó”. Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định quan điểm: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp vừa là công việc hệ trọng, vừa là trách nhiệm trực tiếp của mỗi cấp ủy trong CATP, đặc biệt đề cao vai trò của Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị. Chúng tôi quán triệt sâu sắc cán bộ là “gốc” của mọi công việc. Đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp vững mạnh là nhân tố then chốt, quyết định sự thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng của CATP Hà Nội.

Cùng với việc coi trọng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ, năng lực công tác, Nghị quyết 09 xác định sự đồng bộ trên các mặt: Đánh giá, phân loại để bố trí theo năng lực, sở trường, trình độ, chuyên ngành đào tạo, qua đó phát huy đội ngũ cán bộ hiện có; kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở từng cấp, từng đơn vị; tích cực quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nguồn cán bộ kế cận, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ; xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; xử lý song song giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; kết hợp giữa đức và tài, trong đó đức là gốc”…

Từ thực tiễn nhìn lại những giá trị thời đại để đi tới  ảnh 4

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ những khó khăn với bà con tiểu thương tại huyện Mỹ Đức trong thời gian Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19

4. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ đã căn dặn: “Phải biết rõ cán bộ, đánh giá đúng cán bộ”; “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái, như thế công việc nhất định chạy”; “Phải khéo dùng người, dùng người đúng chỗ, đúng việc”; “Cứ mỗi lần xem xét lại cán bộ, một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Thấm nhuần lời dạy của

Chủ tịch Hồ Chí Minh, CATP Hà Nội quyết tâm xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp có tư tưởng chính trị vững vàng, liêm chính, gương mẫu, bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; có trình độ và năng lực thực tiễn ngang tầm nhiệm vụ; có tư duy khoa học, khát vọng đổi mới, kỹ năng, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy trong công việc, sâu sát thực tế, cơ sở; đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, theo phương châm “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Từ đó, thực hiện công tác nhận xét, đánh giá cán bộ xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, lấy đó làm căn cứ nhận xét theo giai đoạn, nhiệm kỳ giữ chức vụ cũng như lựa chọn cán bộ. Thông qua làm tốt công tác quản lý cán bộ, lấy kết quả, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao làm thước đo chủ yếu. Lấy phiếu thăm dò tín nhiệm để đánh giá cán bộ phục vụ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Thực hiện tốt phương châm “động” và “mở”, không vì cho đủ số lượng mà bổ sung vào quy hoạch cả cán bộ có năng lực thực tiễn yếu, kém, bình quân chủ nghĩa, thiếu tư duy, khát vọng. Bổ sung vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tốt tiêu chuẩn, tiêu chí và có triển vọng phát triển hơn. Phân loại cán bộ quy hoạch để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng đắn, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quy hoạch, vừa chủ động nguồn nhân sự khi có nhu cầu. Lựa chọn nhân sự tuần tự “đi từ diện đến điểm”, thực hiện mạnh mẽ việc miễn nhiệm, tinh giản biên chế, không bổ nhiệm lại, điều động, bố trí giữ chức vụ thấp hơn đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phẩm chất, năng lực yếu kém, uy tín thấp, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc có sai phạm nghiêm trọng…

Cùng với đó, củng cố đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy gắn với tiết giảm số lượng cấp phó; quản lý chặt cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, phòng ngừa, xử lý nghiêm vi phạm, tích cực phát hiện, bồi dưỡng cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt; đổi mới công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng thiết thực phục vụ công tác, chiến đấu theo phương châm “cần gì thì bồi dưỡng đấy”. Thực hiện tốt phương châm “xã hội học tập” trong toàn lực lượng Công an Thủ đô trên nền tảng “tròn vai, thuộc bài”, phát triển tư duy sáng tạo, đổi mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Chống tiêu cực, tham nhũng, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ. Hoàn thiện thể chế và các điều kiện đảm bảo tốt công tác xây dựng, củng cố đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; giáo dục vấn đề coi trọng danh dự, để mỗi cán bộ nhận thức được “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của lực lượng Công an nhân dân; khơi dậy niềm tự hào là công dân Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Để đi tới, đó là những việc cần làm ngay, làm thường xuyên, làm theo lộ trình của lực lượng Công an Thủ đô Anh hùng. Mà theo nhìn nhận của người đứng đầu Công an Hà Nội, nói một cách đơn giản là quyết tâm để Công an Thủ đô hoàn thiện hơn, tốt hơn, đẹp hơn! Tất cả để xứng đáng với hình ảnh “Người chiến sĩ Công an Hà Nội vì Thủ đô bình yên, vì nhân dân phục vụ!”.