Từ tháng 8, lương viên chức thư viện cao nhất trên 11 triệu đồng/ tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chưa xử phạt hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt từ 25-8, lương viên chức thư viện cao nhất trên 11 triệu đồng.. là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 8-2022.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 25-8 quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện chưa có quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt nên chế tài trên vẫn chưa áp dụng trong thực tế.

Thông tư 02/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện, có hiệu lực từ 15-8. Trong đó, Điều 9 Thông tư 02 hướng dẫn xếp lương viên chức thư viện như sau:

Hạng I: Xếp lương như viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55, tương đương mức lương từ 9,238,000 - 11,920,000 đồng/tháng; Hạng II: Xếp lương như viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38, tương đương mức lương từ 6,556,000 - 10,102,200 đồng/ tháng.

Hạng III: Xếp lương như viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98, tương đương mức lương từ 3,486,600 - 7,420,200 đồng/ tháng; Hạng IV: Xếp lương như viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06, tương đương mức lương từ 2,771,400 - 6,049,400 đồng/ tháng.

Như vậy, với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/ tháng thì kể từ 15-8, viên chức chuyên ngành thư viện có mức lương cao nhất là hơn 11 triệu đồng (tương đương hệ số lương 7,55).

Chưa xử phạt hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt từ 25-8

Chưa xử phạt hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt từ 25-8

Thông tư 39/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 121/2021 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 8-8.

Thông tư quy định, phí thẩm định cấp, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 150 triệu đồng. Phí thẩm định cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 5 triệu đồng.

Sau khi thẩm định doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định theo quy định, các loại phí trên là khoản thu thuộc ngân sách trung ương.

Doanh nghiệp chỉ được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sau khi đã nộp phí vào ngân sách nhà nước.

Thông tư 40/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Thoe đó, từ 15-8, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm tám trường hợp là giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán, giá, chứng khoán, thuế, hải quan, tài sản công, tài chính doanh nghiệp và các lĩnh vực tài chính khác theo quy định.

Như vậy, so với quy định hiện hành, Thông tư 40/2022 đã bổ sung 2 lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tài sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.