Từ nghi án chủ quán bánh xèo bạo hành nhân viên: Người nuôi con nhỏ dưới 36 tháng có bị xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Liên quan đến vụ chủ quán bạo hành nhân viên ở Bắc Ninh, hiện CAH Yên Phong đang đang tạm giữ nữ chủ quán bánh xèo để xác minh, điều tra, làm rõ. Mới đây, Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cũng đề nghị xử lý nghiêm hành vi bạo lực, bóc lột sức lao động của trẻ em.

Được biết, chủ quán bánh xèo là N.T.A.T (SN 1986), đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Nữ chủ quán này có dấu hiệu hành hạ hai thanh, thiếu niên cùng quê đang làm giúp việc tại quán gây thương tích. Trên người hai nhân viên này xuất hiện nhiều vết thâm tím, có vết chém trên tay, lưng có nhiều vết thương, răng bị gãy mẻ, thường xuyên bị bỏ đói…

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc xác định nữ chủ quán có phạm tội hay không, phạm tội gì và mức hình phạt ra sao phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh hành vi bạo hành, ngược đãi nhân viên của chủ quán là có thật, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, gây ra nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần đối với người lệ thuộc mình thì cá nhân này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác.

Điều 140 BLHS 2015 quy định, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ thì bị phạt tù từ 1-3 năm.

Cậu bé 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo bạo hành với chi chít vết thương trên người
Cậu bé 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo bạo hành với chi chít vết thương trên người

Trường hợp cơ quan điều tra xác định được việc hành hạ nhằm cố ý gây thương tích, kết quả trưng cầu giám định xác định các nạn nhân có thương tích thì cá nhân trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Điều 134 BLHS 2015 nêu rõ, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Tuy vậy, cũng theo Luật sư Hồng Vân, trong Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn áp dụng đều thể hiện rõ chính sách hình sự nhân đạo. Đó là:

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Người bị kết án phạt tù là phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được xem xét cho hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi

Về áp dụng biện pháp tạm giam, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, đối tượng này sẽ bị tạm giam nếu thuộc một trong các trường hợp: tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại…