Người đàn ông bế con nhỏ đấm đá phụ nữ dã man gây phẫn nộ có bị xử lý?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông bế em nhỏ trên tay đánh đập một người phụ nữ dã man khiến người xem vô cùng bức xúc.

Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra ở một khu chung cư ở tỉnh Bình Dương và được một người dân sống tại khu vực ghi lại.

Những hình ảnh trong clip cho thấy, một người đàn ông liên tục chửi bới người phụ nữ. Khi thấy đứa trẻ gào khóc trong xe, người đàn ông bế đứa bé rồi tiếp tục lao tới đá thẳng vào người, vào mặt người phụ nữ một cách tàn nhẫn, thậm chí anh ta còn bóp cổ rồi đẩy nạn nhân ngã vào lùm cây.

Hình ảnh người đàn ông bế em nhỏ liên tục đánh đấm người phụ nữ được cắt từ clip

Hình ảnh người đàn ông bế em nhỏ liên tục đánh đấm người phụ nữ được cắt từ clip

Dù được nhiều dân có mặt tại hiện trường can ngăn nhưng người đàn ông kia vẫn tỏ ra rất hung hãn và không chịu dừng tay. Ngay sau khi clip được đăng tải, dù chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự việc, song nhiều người vẫn tỏ ra phẫn nộ trước hành động vũ phu của người đàn ông này trước mặt cháu nhỏ và cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được. Nó không chỉ đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua, các vụ việc nam giới hành hung phụ nữ, chồng bạo hành vợ dã man diễn ra khá phổ biến. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Khoản 1, điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm….Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ 2014 cũng nghiêm cấm hành vi bạo lực gia đình.

Đối tượng có hành vi bạo lực với phụ nữ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ, phạt tiền từ 1- 1.5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên mức 2 triệu đồng đối với cá nhân sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi bạo lực đối với phụ nữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi) - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội 2 lần trở lên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.