Từ ngày mai 1-2-2012: Điều chỉnh giờ học, giờ làm

ANTĐ - Theo Quyết định 315/QĐ-UBND của thành phố, nhóm công chức, học sinh, sinh viên, thương mại tại 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì sẽ thực hiện đổi giờ học, giờ làm từ 1-2-2012. Đây là một trong những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài, tác động xấu tới kinh tế xã hội Thủ đô.

Tình trạng ùn tắc trước cổng trường liệu có được giải quyết?

Học sinh, sinh viên chịu ảnh hưởng lớn nhất

Với quyết định trên của thành phố, nhóm đối tượng các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường THPT bắt đầu giờ học buổi sáng trước 7h, kết thúc giờ học chiều sau 19h. Nhóm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bắt đầu giờ học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ học chiều vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể Trung ương, Hà Nội bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc giờ làm việc buổi chiều vào 17h. Các Trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm việc từ 9h, kết thúc sau 19h. Việc điều chỉnh giờ học, làm việc sẽ thực hiện ở 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm kể từ 1-2-2012.

Khảo sát cho thấy, tại 10 quận và 2 huyện trên đang có 124 trường ĐH, CĐ, Trung cấp với hơn 620.000 sinh viên. Trong đó, chiếm đến 78% số sinh viên ở ngoại trú, và có hơn 30% sinh viên các trường trên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hàng ngày. Đối với khối THPT, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng số học sinh THPT phải điều chỉnh giờ học là 90.000 học sinh trong đó có tới 40% học ca chiều sẽ phải về sau 19h. Như vậy, nhóm học sinh các trường THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc điều chỉnh giờ học, làm việc.

Còn nhiều băn khoăn

Lãnh đạo ngành giáo dục cũng như các trường học hiện vẫn băn khoăn với thời gian vào học sớm và kết thúc giờ học ca chiều hơi muộn. Đáng lo ngại là thời gian triển khai sẽ bắt đầu từ ngày mai, trong khi với các trường đại học, TCCN thì lượng sinh viên về quê ăn tết khá đông và việc ổn định lại giờ học chưa thống nhất dẫn tới việc sinh viên có thể chưa nắm bắt được yêu cầu về đổi giờ học. Tuy nhiên, hầu hết đều khẳng định, sẽ áp dụng mọi biện pháp để thông báo cho học sinh, sinh viên cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện đúng yêu cầu đổi giờ của thành phố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu các trường chủ động tìm biện pháp thông báo việc điều chỉnh giờ cho sinh viên biết, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện tốt việc điều chỉnh giờ học để thực hiện từ ngày mai, 1-2-2012.

Riêng với khối THPT ngay sau khi triển khai, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra về 12 quận huyện để đảm bảo việc thực hiện thay đổi giờ được thống nhất tại các cơ sở giáo dục. “Các trường THPT đang được đốc thúc bố trí đủ ánh sáng trong lớp học và đặc biệt trong khu vực sân trường, lối vào trường để đảm bảo an toàn cho học sinh khi ra về vào thời điểm trời tối” - ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định.

Tăng cường kiểm soát phương tiện giao thông

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc điều chỉnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân, nhưng đây là phương án đã được thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, được HĐND thông qua, Thủ tướng Chính phủ nhất trí. Không chỉ người dân mà các lực lượng chức năng cũng phải điều chỉnh giờ làm việc. Cụ thể, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông sẽ phải “xuống đường” từ 6h (sớm hơn 30 phút) để điều hành giao thông. Thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt sẽ kéo dài hơn 60 phút so với hiện nay.

Cụ thể, giờ cao điểm sáng sẽ bắt đầu từ 6h đến 9h, cao điểm chiều từ 16h30 đến 19h30. Ngoài ra, trên những tuyến có nhiều trường đại học, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy… sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay đến 7-8 phút/lượt… Sẽ điều chỉnh tăng giờ hoạt động của 17 tuyến xe buýt trong giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của sinh viên nói riêng, hành khách nói chung. Ngoài ra, Sở GTVT cũng điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến của 6 tuyến buýt nhanh từ 86 chuyến/ngày hiện nay lên 123 chuyến/ngày. Ông Hùng cho biết, Sở GTVT đang nghiên cứu, tổ chức thêm 6 tuyến buýt nhanh khác gồm: tuyến Long Biên - bến xe Yên Nghĩa, Trần Khánh Dư - bến xe Yên Nghĩa, Cầu Giấy - bến xe Phùng, bến xe Gia Lâm - Viện 103, bến xe Mỹ Đình - bến xe Gia Lâm và Nam Thăng Long - Mai Động với tổng số 97 chuyến/ngày nhằm đáp ứng hiệu quả việc đổi giờ.