Tự làm thuốc chữa bệnh, bán hàng nghìn hộp

ANTĐ - Hôm qua (22-4), TAND TP Hà Nội đã đưa Nguyễn Anh Văn (SN 1982, trú ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư LV France ra xét xử về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. 

Tự làm thuốc chữa bệnh, bán hàng nghìn hộp ảnh 1Bị cáo Nguyễn Anh Văn (đứng) cùng đồng phạm tại tòa

Hàng nghìn hộp thuốc giả trót lọt  

Đồng phạm của Văn còn có Bùi Văn Hiệp (SN 1985), trú ở xã Trực Mỹ, Trực Ninh, Nam Định và Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1991), ở thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Tuy nhiên, do bị cáo Thanh đang mang thai nên có đơn xin được xét xử vắng mặt.

Ổ nhóm sản xuất thuốc chữa bệnh giả này bị phát giác vào cuối năm 2014, khi Bùi Văn Hiệp đang chuẩn bị giao bán 150 hộp thuốc Lumbrotine và 80 hộp thuốc Zine-Kid cho một khách hàng, tại khu vực cổng trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội. Bị đưa về cơ quan công an, Hiệp khai toàn bộ số thuốc đó là hàng giả được đối tượng mua ở “lò” của Nguyễn Anh Văn. Mở rộng vụ án, CQĐT làm rõ Văn và Hiệp vốn quen biết nhau từ trước.

Do biết rõ thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não nhãn hiệu Lumbrotine và thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em nhãn hiệu Zine-Kid do Công ty Dược phẩm Trung ương 3 sản xuất đang bán chạy và khan hiếm hàng trên thị trường nên giữa năm 2014, Văn bàn với Hiệp cùng nhau tự sản xuất thuốc giả đem bán. 

Nguyễn Anh Văn đã thuê Nguyễn Thị Phương Thanh cùng một nam thanh niên hàng ngày đến phòng trọ của đối tượng ở phường Văn Quán, quận Hà Đông để sản xuất thuốc giả. Sau ít ngày hoạt động tại đây, tháng 7-2014, Văn chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị sang địa điểm mới là một phòng trọ ở làng Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, đầu tháng 11-2014, Văn một lần nữa đưa nguyên, vật liệu cùng máy móc tới địa điểm mới, thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Nhưng chỉ sau 2 ngày chuyển tới địa điểm thứ ba, hành vi của ổ nhóm sản xuất thuốc chữa bệnh giả này đã bị cơ quan công an phát giác. Quá trình điều tra cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, Văn cùng đồng bọn đã sản xuất được 5.000 hộp thuốc Zine-Kid và 700 lọ thuốc Lumbrotine. Trong số này, Văn đã tiêu thụ hàng nghìn hộp thuốc giả vào thị trường và thu lời bất chính 44 triệu đồng. Trưa 8-11-2014, nhận được thông tin Hiệp vừa bị tạm giữ cùng lô hàng thuốc giả, Văn đã lệnh cho đồng bọn đổ nguyên liệu vào bồn cầu, hủy hết tem nhãn, bao bì và mang máy đến cất giấu ở nhà chị gái. 

Chế thuốc trị bệnhnhư chơi đồ hàng

Trong quá trình xét xử, Nguyễn Anh Văn khai nhận để cho ra đời 2 loại sản phẩm thuốc chữa bệnh giả này, đối tượng đã đến một công ty chuyên về thực phẩm chức năng tại quận Đống Đa mua hơn 150kg hạt cốm kẽm với giá 100.000 đồng/kg và 21.600 viên nang (dạng con nhộng) đựng trong hàng trăm hộp nhựa trơn với giá 17.400 đồng/hộp. Sau đó Văn  đến hàng loạt cơ sở bao bì, in ấn đặt mua vỏ hộp giấy, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, túi nilon nhỏ đựng hạt cốm kẽm và tem dán có hàng chữ “Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3” để dán lên bao bì.

Hàng ngày, Văn thuê Thanh cùng một nam thanh niên dùng thìa cà phê xúc từng thìa hạt cốm kẽm vào các túi nilon nhỏ (loại 3 gram), rồi dùng máy ép nhiệt hàn miệng túi. Sau đó, cứ 25 túi nilon nhỏ chứa hạt cốm kẽm lại được đóng thành một hộp giấy, kèm tờ hướng dẫn sử dụng bên trong giống như sản phẩm thật.

Tương tự, đối với loại thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não nhãn hiệu Lumbrotine, do các viên nang mua về vốn là thực phẩm chức năng nên Văn cùng đồng bọn chỉ việc nhét tờ hướng dẫn sử dụng vào từng hộp thuốc, rồi dán tem mang nhãn hiệu của Công ty Dược phẩm Trung ương 3 bên ngoài… Toàn bộ số thuốc giả này, Văn đều nhanh chóng đưa vào các cửa hàng tân dược ở nhiều địa bàn khác nhau, thông qua Hiệp. 

Tại phiên tòa, HĐXX làm rõ những ngày mới tham gia sản xuất thuốc chữa bệnh giả, Thanh không biết hành vi phạm pháp của Văn. Thế nhưng trước ngày vụ án bị phát hiện, nữ bị cáo này đã biết rõ Văn sản xuất thuốc chữa bệnh giả nhưng vẫn giúp sức tích cực. Đối với bị cáo Hiệp, trong quá trình xét xử Hiệp chỉ thừa nhận hành vi mua thuốc giả của Văn đem bán kiếm lời.

Tuy nhiên, kết quả điều tra đã chứng minh, Hiệp đã bàn bạc sản xuất thuốc giả với Văn ngay từ đầu. Hiệp còn là người trực tiếp đứng ra thuê các địa điểm để Văn tổ chức làm giả thuốc. Trên cơ sở này, HĐXX sơ thẩm khẳng định có đủ cơ sở xác định bị cáo Văn và Hiệp phạm vào tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, còn bị cáo Thanh phạm vào tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh”, đúng như nội dung cáo trạng truy tố.

Sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội lần lượt tuyên phạt Nguyễn Anh Văn 36 tháng tù và Bùi Văn Hiệp 30 tháng tù giam. Riêng Nguyễn Thị Phương Thanh do mức độ phạm tội hạn chế và đang trong thời kỳ thai sản nên chỉ bị áp dụng 18 tháng tù, cho hưởng án treo.