Từ các vụ shipper bị hành hung: Cần xử lý hình sự khách hàng có máu 'côn đồ'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hàng loạt các shipper (người giao hàng) bị hành hung, nhiều người cho rằng cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo lực đồng thời đề xuất cơ chế bảo vệ shipper khi bị ‘bom hàng’.

Khi shipper đị đánh gãy tay, dập mũi

Vụ một shipper bị đánh gãy 2 tay diễn ra tại TP Đà Nẵng mới đây đã khiến dư luận dậy sóng. Anh Lâm Anh Đạt (24 tuổi, ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) làm nghề shipper đã bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng tuýp sắt, bình hoa, ghế inox… đánh gãy cả hai tay và đang phải điều trị tại BV Quân y C17 (TP Đà Nẵng).

Được biết, ngày 17-2, anh Đạt đến nhà ông T.Đ.N (ở xã Nghĩa Lâm, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) để giao đơn hàng là 2 cây hoa đỗ quyên với tiền phí 230.000 đồng.

Khi hai bên xảy ra mâu thuẫn (do ông N không nhận hàng, không đồng ý trả phí giao hàng để anh Đạt gửi trả đơn hàng về cho người bán), anh Đạt đã bị vợ chồng ông N đánh gãy hai tay.

Anh Lâm Anh Đạt làm nghề shipper đã bị vợ chồng người nhận hàng đánh gãy cả hai tay

Anh Lâm Anh Đạt làm nghề shipper đã bị vợ chồng người nhận hàng đánh gãy cả hai tay

Liên quan đến việc shipper bị hành hung, mới đây tại Thanh Hóa cũng xảy ra sự việc tương tự. Khi mang hàng tới điểm hẹn để giao cho khách, shipper nữ tên V.T.G. (38 tuổi, trú xã Thọ Bình) bất ngờ bị một nhóm người dùng mũ bảo hiểm, mũ cối đánh tới tấp và cướp tài sản phải nhập viện điều trị.

Theo chị G, trước đó, chị nhận được tin nhắn và cuộc gọi từ messenger của một người lạ đặt hàng sản phẩm cao dứa tre, yêu cầu giao hàng tại quán cà phê ở Thị trấn Triệu Sơn.

Khi đến nơi, lúc chị G đang cúi xuống lấy hàng thì bị một nhóm người trẻ tuổi dùng mũ bảo hiểm, mũ cối đánh tới tấp vào đầu, vùng mặt, vùng ngực, đồng thời vu khống chị cướp chồng.

Sau cơn mưa đòn, chị G còn bị nhóm này lấy đi một chiếc điện thoại Redmi Note 9 Pro trị giá khoảng 6,7 triệu đồng.

Còn tại Hà Nội, cách đây không lâu, một nam shipper cũng bị hành hung đến mức dập mũi trong khi đang giao hàng tại một khu đô thị cao cấp.

Anh Phạm Minh P (25 tuổi, trú phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai), là nhân viên giao hàng khi giao đồ ăn đến một phòng tập gym thì bị bảo vệ đuổi ra ngoài với lời lẽ khó nghe.

Sau đó, anh P bất ngờ bị một người đàn ông lạ mặt lao tới đấm liên tiếp vào mặt khiến anh bị chảy rất nhiều máu, dù đã cố kêu cứu nhưng không ai giúp đỡ. Ngay sau khi sự việc xảy ra anh P đã đến công an phường sở tại trình báo.

Cần áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc hành hung shipper không chỉ xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác mà còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Do vậy, cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.

Nếu đủ đấu hiệu cấu thành tội phạm, các đối tượng hành hung, đánh đập shipper có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.

Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu trên có thể của shipper, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì còn có thể xử lý về Tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015.

Ngoài ra, nếu xem xét có dấu hiệu về Tội cướp tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể khởi tố bị can về tội này.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, nghề shipper có khá nhiều rủi ro, đặc biệt là khi trúng phải của hàng lừa đảo bán hàng giả, hàng kém chất lượng, khi khách nhận phải hàng này và phát hiện ta thì người giao hàng sẽ là nơi trút giận.

Hiện nay, đối với lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, pháp luật chưa có quy định về mức cước phí vận chuyển mà các bên sẽ tự thỏa thuận phí. Mức phí này thường dựa vào khối lượng hàng hóa, quãng đường vận chuyển.

Với các cửa hàng nhỏ lẻ, khách hàng và chủ shop thỏa thuận mua bán, shipper giao hàng nhưng chi phí ship lại mỗi nơi một kiểu. Có thể khách thỏa thuận với khách trả phí ship khi nhận hàng, nhưng khi hoàn trả hàng lại không nói xử lý như thế nào, từ đó gây khó cho shipper.

Để tránh những tranh chấp không đáng có, bên bán và bên mua cần thỏa thuận trước về việc bên mua muốn hoàn trả hàng thì phải thanh toán tiền phí vận chuyển hoàn trả hàng. Trường hợp khách từ chối nhận hàng và shipper không đòi được tiền ship thì nên báo lại chủ shop để hoàn đơn, khi đó chủ shop phải trả tiền ship cho người giao hàng.

Qua những sự việc trên, các chủ cửa hàng và doanh nghiệp giao hàng nhanh cũng cần xem lại quy trình chuyển hàng, hạn chế việc xảy ra cãi vã giữa shipper và khách, đồng thời có cơ chế bảo vệ shipper trong trường hợp bị khách ‘bom hàng’ – luật sư Hồng Vân khuyến cáo.