Từ 1/1/2024: Không gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự với người nghiện rượu mãn tính?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Thông tư 105/2023/TT-BQP có hiệu lực từ 1/1/2024, người nghiện rượu mãn tính có thể không được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, do sức khỏe không đạt tiêu chuẩn quy định.

Về phương pháp phân loại sức khỏe, Khoản 2 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQPquy định, căn cứ số điểm cho các chỉ tiêu khi khám để phân loại sức khỏe, cụ thể: Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1; Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2; Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3; Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4; Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5; Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Còn theo Tiểu mục 66 Mục 5 Phần 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP, các rối loạn tâm thần do rượu (nghiện rượu mãn tính, loạn thần do rượu (hoang tưởng, ảo giác, sảng, các bệnh não thực tổn do rượu), hội chứng cai rượu) đều có chỉ tiêu chấm điểm là 6.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP, tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chung và riêng. Trong đó, tiêu chuẩn chung là đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này; Không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP.

Tiêu chuẩn riêng là một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Căn cứ các quy định trên, người bị nghiện rượu mãn tính sẽ thuộc sức khỏe loại 6 vì có chỉ tiêu chấm điểm là 6, mà theo quy định thì người có sức khỏe loại 6 khi có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Trong khi đó, theo quy định về tiêu chuẩn sức khỏe chung thực hiện nghĩa vụ quân sự thì chỉ người đạt tiêu chí sức khỏe chung là người đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3.

Do đó người bị nghiện rượu mạn tính thuộc sức khỏe loại 6 nên có thể không bị gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Về chế tài xử phạt đối với hành vi trốn nghĩa vụ quân sự, theo Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản Nghị định 37/2022/NĐ-CP, cá nhân trốn nghĩa vụ quân sự tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà mức phạt tiền đối với từng hành vi như sau:

Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ 2 trường hợp trên. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.