Mới: Người mắc bệnh trầm cảm, bị điếc có được hoãn đi nghĩa vụ quân sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Thông tư 105/2023/TT-BQP về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ đầu năm 2024, người mắc bệnh trầm cảm sẽ được hoãn đi nghĩa vụ quân sự.

Về tiêu chuẩn sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự, theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP, công dân đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo Điều 5, Điều 6 Thông tư này và không nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP thì đáp ứng đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự.

Sức khỏe loại 1, loại 2 và loại 3 được xác định thông qua tất cả các tiêu chí theo quy định, cụ thể:

Sức khỏe loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1 (Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt); Sức khỏe loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2 (Chỉ tình trạng sức khỏe tốt); Sức khỏe loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3 (Chỉ tình trạng sức khỏe khá);

Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe được phân loại theo thể lực thực hiện theo quy định tại Mục I và theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe thực hiện theo quy định tại Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

Ngoài ra, bảng các bệnh về Tâm thần (STT5 mục II Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 105/2023/TT-BQP) đã bổ sung thêm các bệnh liên quan đến trầm cảm so với quy định hiện hành tại Thông tư 16/2016/TTLT-BYT-BQP. Theo đó, những người mắc bệnh trầm cảm, tùy theo mức độ thì sẽ được đánh giá như sau:

Rối loạn trầm cảm: Mức độ nhẹ: Điểm 4 (thuộc sức khỏe loại 4); Mức độ vừa: Điểm 5 (thuộc sức khỏe loại 5); Mức độ nặng: Điểm 6 (thuộc sức khỏe loại 6). Rối loạn phân liệt cảm xúc: Trầm cảm sẽ đánh giá là điểm 6 (thuộc sức khỏe loại 6). Rối loạn cảm xúc lưỡng cực: Giai đoạn trầm cảm sẽ đánh giá là điểm 6 thuộc sức khỏe loại 6).

Như vậy với những người đang bị mắc các loại bệnh trầm cảm nếu được phân loại từ điểm 4, 5, 6 thì chưa đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Về trường hợp bị điếc, theo Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP, những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực, gồm tâm thần, động kinh, parkinson, mù 1 mắt, điếc, di chứng do lao xương khớp…

Bên cạnh đó, với các bệnh về tai, mũi, họng có quy định về sức nghe để thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định tại số thứ tự 30 Mục II ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP như sau:

30

Sức nghe (đo bằng tiếng nói thường):

- Một bên tai 5m (nghe bình thường)

1

- Một bên tai 4m (nghe kém nhẹ)

2

- Một bên tai 3m (nghe kém trung bình nhẹ)

3

- Một bên tai 2m (nghe kém trung bình nặng)

4

- Một bên tai 1 m (nghe kém nặng)

5

- Một bên tai 1m (nghe kém sâu)

6

Tính từng tai, sau lấy trung bình cộng và làm tròn để được kết quả chung. VD: Tai phải 1, tai trái 6, tổng là (6+1)/2=3,5 làm tròn là 4

Đối chiếu quy định trên, cá nhân bị điếc thuộc diện được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực. Trường hợp bị điếc 1 bên tai, và tai còn lại vẫn có khả năng nghe thì việc có được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự hay không phụ thuộc vào kết luận của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.