Từ 1/11, người dân đi taxi, đi ăn nhà hàng sẽ được giảm mạnh chi phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 1/11, người dân khi đi ăn tại nhà hàng, đi taxi… sẽ được giảm chi phí đáng kể. Đó là một trong hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2021.

Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 quy định, giảm thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;

Ngoài ra, các sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc…cũng được giảm thuế GTGT.

Thời gian áp dụng là từ 1/11/2021 - 31/12/2021. Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nêu trên được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT. Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nêu trên được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.

Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 quy định giảm thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải từ 1/11 (ảnh minh họa)

Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 quy định giảm thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải từ 1/11 (ảnh minh họa)

Như vậy, với việc giảm thuế GTGT, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi theo quy định hiện hành, người tiêu dùng khi đi ăn nhà hàng, đi taxi hay đi máy bay… ngoài phải trả tiền dịch vụ, còn phải trả thêm tiền thuế GTGT là 10%. Song từ 1/11, khi sử dụng các dịch vụ này, người tiêu dùng sẽ được trừ 30% thuế GTGT.

Chính sách giảm thuế GTGT cho thấy sự san sẻ của Nhà nước đối với người dân trước khó khăn do dịch bệnh gây ra, đồng thời góp phần kích cầu tiêu dùng để khôi phục lại nền kinh tế sau dịch bệnh.

Thông tư 09/2021/TT-BLĐTBXH nêu rõ, từ 1/11, trường hợp doanh nghiệp không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà người lao động đó là thành viên phải có ý kiến bằng văn bản với doanh nghiệp, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan liên quan để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động.

Thông tư 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về quy trình tiếp công dân có hiệu lực từ 15/11. Thông tư quy định người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân và giải thích lý do từ chối, đồng thời báo cáo với người phụ trách nếu đó là người say rượu, bia; người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

Thông tư 14/2021/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, từ 1/11, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng xác định như sau: Đối với các công việc tư vấn đã được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng thì chi phí thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Đối với các công việc tư vấn như quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì; khảo sát phục vụ thiết kế sửa chữa, thí nghiệm phục vụ công tác tư vấn bảo trì công trình và một số công việc tư vấn khác đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định.

Với các công việc tư vấn như lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình (trường hợp chưa có quy trình bảo trì) hoặc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng; Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì; Kiểm tra công trình đột xuất theo yêu cầu… thì xác định bằng lập dự toán. Chi phí tư vấn phục vụ sửa chữa xác định trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình.