Truyền thông Trung Quốc đang kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan

ANTĐ - Ngày 16-6, một số tờ báo ở Trung Quốc, trong đó có tạp chí “Tài Kinh”, tạp chí “Cầu thị” đã đăng bài viết của Tào Lâm (ảnh), cây bút bình luận của Báo Thanh niên Trung Quốc, trong đó khuyến cáo truyền thông Trung Quốc không nên xoay theo những “trò hề” kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan. 

Đoạn mở đầu của bài báo viết, thời gian qua nhiều chương trình truyền hình và tiêu đề trên trang nhất của nhiều tờ báo khiến cho người xem thấy sợ, “cảm giác như chiến tranh sẽ bùng nổ ngay ngày mai vậy. Toàn những luận điệu giật gân, động một cái là “nhất định phải có một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản“, “một cuộc chiến mới giữa Trung Quốc - Nhật Bản sẽ là cuộc chiến cho người dân Trung Hoa rửa nỗi nhục“, hay “phải có một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam”, “phải chiến đấu với Hoa Kỳ”, “Quân đội đã sẵn sàng cho chiến tranh“… Các phương tiện truyền thông nói ra từ chiến tranh dễ dãi như trò trẻ con vậy. Cứ như chiến tranh không hề liên quan đến mạng người, mà chỉ là trò chơi trên máy tính. Dù những kẻ khoác áo “phần tử hiếu chiến cực đoan” như vậy không phải là đa số, song vẫn được không ít trang mạng hâm mộ”.

Tác giả phân tích: “Có nhiều cơ quan truyền thông tùy tiện nhắc đến từ chiến tranh, tự coi mình là “phe chủ chiến”, bên ngoài mặt tỏ ra “cứng rắn”, hô hào cho chủ nghĩa dân tộc, nói cho cùng vẫn là tâm thế của một quốc gia yếu đuối”, đồng thời khẳng định: “Thực ra một quốc gia thực sự lớn mạnh không phải là quốc gia có khả năng phát động một cuộc chiến tranh, mà là có khả năng từ chối và tránh cho mình rơi vào một cuộc chiến tranh, đồng thời là một quốc gia có đủ tư cách nói không với chiến tranh, làm cho quốc dân tránh được những tổn thương vì chiến tranh. Nuôi quân ngàn ngày không phải để cho một cuộc chiến, mà là để không có chiến tranh xảy ra”.

Một trong những nguyên nhân giúp cho Trung Quốc lớn mạnh, theo tác giả bài báo, là “tránh xa chiến tranh”, vì “môi trường hòa bình và ổn định đem lại nhiều cơ hội hơn cho quốc gia phát triển”. Điều đó hoàn toàn rõ ràng, bởi “nhìn lại một thế giới biến động hơn 30 năm qua, không có nước nào trong số các quốc gia bị cuốn vào chiến tranh lại giữ được sự ổn định về kinh tế, còn xã hội thì rối loạn, cuộc sống của người dân khốn khó, cả quốc gia và quốc dân đều bị tổn thương”.

Bày tỏ tin tưởng rằng “các nhà lãnh đạo sẽ không bị huyễn hoặc bởi những tiếng nói này, mà sẽ nhìn những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình phát triển một cách lý tính hơn, nhận thức rõ ràng hơn về sự cần thiết của một môi trường hòa bình cho sự phục hồi dân tộc”, song là một người làm trong giới truyền thông, Tào Lâm cũng khuyến cáo: Tuy nhiên, chính phủ cũng vẫn cần phải cảnh giác với những tuyên bố điên cuồng về “chiến tranh tùy tiện”, phòng ngừa việc nó đánh lừa dư luận và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. “Một nước lớn cần có sự ổn định để phát triển chứ không thể bị người ta xỏ mũi dắt đi”.

Chính vì vậy, tác giả mong muốn “Truyền thông Trung Quốc nên đồng thuận rằng: có được môi trường hòa bình không dễ, kinh tế nhất định phải được xây dựng trên nền tảng hòa bình. Những luận điệu rêu rao chiến tranh đó, bên ngoài thì tưởng như “yêu nước”, nhưng thực ra chỉ là một biểu hiện của những kẻ thiếu hiểu biết. Nếu để những người này ra chiến trường thực sự, chắc sẽ sợ đến mất mật. Họ chưa từng được chứng kiến chiến tranh, nếu từng thấy sự tàn khốc của chiến tranh, chắc chắn sẽ không nói ra từ đó một cách giản đơn như vậy”.