Trượt sâu sau những cuộc tình vụng trộm

ANTĐ - Gần 1 năm nay chị Đỗ Thu Trang, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy sống lầm lũi như một cái bóng trong chính tổ ấm của mình. Không chỉ bị người chồng bội bạc ruồng rẫy, chị còn bị 2 đứa con ruột quay lưng…

Dùng tiền để mua chuộc con

Chị Trang tâm sự trong tiếng nấc: “Vợ chồng tôi kết hôn được 15 năm. Sau khi sinh bé thứ hai, chồng tôi đề nghị tôi nghỉ hẳn công việc cơ quan để ở nhà chăm lo con cái, gia đình. Thương con còn nhỏ lại thấy chồng có thể lo được kinh tế nên tôi đã xin nghỉ việc.

Cách đây 1 năm chồng tôi có nhiều biểu hiện khác lạ. Anh thường xuyên lấy lý do đi công tác để vắng nhà. Tình cảm vợ chồng cũng lạnh nhạt dần. Sau nhiều lần tôi gặng hỏi, chồng tôi đã thừa nhận có người đàn bà khác ở bên ngoài. Anh ta nói không còn yêu tôi nữa nhưng không muốn ly dị vì các con. Tôi vô cùng đau đớn nhưng vì con nên vẫn chấp nhận sống chung, lấy sự trưởng thành, lớn khôn của con làm động lực để sống.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, khi biết tin bố ngoại tình các con tôi đều dửng dưng, không có phản ứng gì. Đứa con lớn 14 tuổi của tôi lạnh lùng bảo: “Lỗi tại mẹ chứ tại ai. Suốt ngày lúi húi ở xó bếp, mẹ thử nhìn lại mẹ xem. Đến con còn chán nữa là bố. Bố đi làm vất vả để nuôi cả nhà, bố có quyền hưởng thụ chứ ?!”.  Đến lúc này tôi mới ngã ngửa, thì ra chuyện chồng tôi ngoại tình các con tôi đã biết từ lâu nhưng không hề nói với mẹ. Hàng ngày để được thoải mái đi “bồ bịch”, chồng tôi vung tiền cho con bất cứ khi nào chúng muốn, mua cho chúng bất cứ thứ gì chúng yêu cầu. Chính vì thế, các con tôi tỏ ra coi thường, hắt hủi mẹ khiến tôi không còn muốn sống nữa”…

Hiện nay khi chuyện ngoại tình đã trở lên khá phổ biến thì trường hợp của chị Trang không còn là cá biệt. Không chỉ có phụ nữ mà ngay cả đàn ông cũng trở thành nạn nhân của tình trạng này. Anh Vũ Hữu Trung ở phường Xuân La, quận Tây Hồ thở dài: “Từ khi vợ tôi được bổ nhiệm làm kế toán trưởng cho một công ty nước ngoài thì mọi trật tự trong gia đình bị đảo lộn. Lấy lý do bận công việc nên việc đưa đón con, nấu nướng, giặt giũ cô ấy “nhường” cho tôi làm hết. Ban đầu tôi nghĩ cô ấy bận thật nên tự nguyện làm việc nhà mà không phàn nàn gì. Nhưng càng ngày cô ấy càng làm quá. Cô ấy thường xuyên bỏ cơm nhà, nói phải đi tiếp khách, không dạy dỗ quan tâm con cái mà chỉ làm một việc duy nhất là cho chúng tiền khi chúng yêu cầu. Các con tôi sẵn có tiền nên ngày một sa đà vào ăn chơi đua đòi, không chịu học hành. Tôi khuyên răn, nhắc nhở chúng rất nhiều nhưng chẳng ăn thua gì. Một lần tình cờ vào siêu thị, tôi thấy vợ tôi tay trong tay với một người đàn ông lạ. Bị bắt gặp quả tang cô ấy không những không xấu hổ, hối lỗi mà còn tỏ ra thách thức: “Tôi chán anh từ lâu rồi. Tôi có người tình đấy, anh muốn làm gì thì làm”. Khi biết chuyện này, 2 cô con gái của tôi nói giọng ráo hoảnh: “Chuyện mẹ có bạn trai chúng con biết lâu rồi. Hè vừa rồi bố bận không đi du lịch cùng mẹ và chúng con, chú ấy đã thế chân đấy. Chú ấy chiều bọn con hết lòng. Bố đúng là gà mờ, chẳng biết gì cả. Tôi nghe những câu này mà điếng cả người. Không ngờ đồng tiền có sức mạnh ghê gớm đến thế!”.


Đừng làm xấu mình trong mắt con

Theo Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú, thông thường khi phát hiện con quay lưng với mình, đồng lõa với sự phản bội của đối phương, các bậc cha mẹ sẽ vô cùng tức giận và cho rằng chúng là những đứa trẻ độc ác, vô ơn. Nhưng sau khi nghĩ lại, họ sẽ nhận ra rằng, chính mình đã góp phần biến các con thành người như thế. Bởi vì với trẻ, ở độ tuổi thiếu niên, khi chúng thấy mọi nhu cầu trong nhà đều trông chờ vào đồng tiền do bố hoặc mẹ chúng kiếm ra, chúng sẽ nghĩ người còn lại trong gia đình không làm ra tiền nên phải an phận với vai trò phục vụ… Bên cạnh đó, một số phụ huynh đã tự hạ thấp mình trong mắt con cái khi tự đặt mình vào vị trí thấp kém, hầu hạ cả nhà. Trong khi đó, đối phương lại dùng tiền và những lời ngọt ngào, sự chiều chuộng vô đối để mua chuộc các con, bôi xấu hình ảnh người kia. Đáng buồn là tình trạng con khinh mẹ hay bố chỉ vì họ không có tiền là bi kịch không hiếm gặp trong các gia đình chỉ một người có vai trò về kinh tế. Tuy vậy, ở một số gia đình khác cũng xảy ra trường hợp, nếu người chồng hay vợ tệ bạc, phản bội thì thường con cái sẽ bênh vực người còn lại. Điều đó phụ thuộc vào quan điểm và cách cư xử của những người bị phản bội. Khi nhận thức được vị trí quan trọng và không thể thay thế của mình trong gia đình, dù không làm ra tiền hay làm ra ít tiền, họ vẫn được con cái tôn trọng.

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, có nhiều lý do dẫn đến ngoại tình. Tuy vậy, trong bất cứ trường hợp nào các bậc cha mẹ không nên lôi kéo con cái vào cái vòng luẩn quẩn của mình. Không nên dùng vật chất để mua chuộc con, để chúng đồng tình với cái sai của mình, quay lưng với người còn lại. Làm như vậy, họ không chỉ làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt con mà còn khiến chúng có những quan niệm sai lệch về hạnh phúc sau này. Ngoại tình là không nên, nhưng dùng tiền “đút lót ” con để thoải mái ngoại tình thì càng không nên gấp ngàn lần.