Trường tồn khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

(ANTĐ) - Dưới chân cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên đảo Trường Sa sáng 24-4, đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam đã tặng quân và dân huyện đảo những món quà đặc sắc nhất của dân tộc mình

    Phùng Lê Na không ngăn được dòng nước mắt ngay sau khi đặt nụ hôn lên má em Nguyễn Thị Quỳnh Hương ra đón mình cùng đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam ngay tại cầu tàu đảo Trường Sa. Chị là thành viên trẻ tuổi nhất trong đoàn gồm đại diện của tất cả các dân tộc anh em cùng ra thăm mảnh đất yêu dấu của Tổ quốc vào những ngày đầy ý nghĩa khi đúng vào dịp kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Trường Sa (29-4-1975/29-4-2011).

    Ước mơ thành hiện thực

    Đến được với Trường Sa hôm nay là kỳ công, là ước mơ thành hiện thực của Lê Na, người dân tộc La Hủ ở bản Cờ Lò, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sinh năm 1987 ở vùng núi cao, trên mảnh đất địa đầu biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Lê Na chỉ biết biển qua sách báo, truyền hình và phim ảnh.
    Trường tồn khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ảnh 1

    Đại diện 54 dân tộc anh em dưới cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây

    Hay tin Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức đoàn đại biểu của tất cả các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc ra thăm huyện đảo Trường Sa, dù mới lập gia đình dịp Tết Nguyên đán vừa qua nhưng Lê Na cứ nhất mực “nì nèo” làm đại diện cho bà con dân tộc La Hủ của mình ra thăm Trường Sa. “Mình biết nhiều về bà con và bộ đội ở Trường Sa lắm nhưng chỉ là qua báo đài và truyền hình thôi.
    Vì thế, mình ước mơ có ngày đến Trường Sa để nhìn tận mắt cuộc sống giữa biển khơi của bà con. Lúc cán bộ báo được đi Trường Sa, mình mất ngủ mấy đêm đấy” - Lê Na nói. Lê Na sợ không được đi Trường Sa đến nỗi giấu biệt chuyện mình đang ốm nghén 2 tháng. Đến khi đoàn biết thì Lê Na đã lên tàu HQ 996, vượt hơn 1.000 km sóng gió biển Đông đến với bé Quỳnh Hương, bé Đặng Bùi Phương Anh... và đặc biệt là bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, công dân nhỏ tuổi nhất, sinh ngày 4-4-2011 ngay trên đảo Trường Sa.
    Tâm sự khi những giọt nước mắt còn đang lăn trên má, Lê Na cho biết đã thỏa ước khi đến Trường Sa và được ôm chặt những em bé sống giữa biển khơi. “Nếu sinh con trai, em muốn con trở thành anh bộ đội Trường Sa” – Lê Na bày tỏ.

    Già làng A Khẻo (63 tuổi, dân tộc Ba Na) hiếm khi đi khỏi nhà khuất tầm nhìn của ngọn núi Arẻn ở Kon Tum nhưng cũng vượt 3 ngày 2 đêm trên biển để đến với các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Đông và thị trấn đảo Trường Sa. “Trước hôm mình đi mấy ngày, tối nào, bà con cũng đến chật nhà nhắc mình phải đi thật nhiều, hỏi thật nhiều để về kể chuyện Trường Sa” - già làng A Khẻo kể.

    Cũng như bà mẹ tương lai Lê Na và già làng A Khẻo, ông Cao Lê Đức (dân tộc Chứt ở Quảng Bình), chị Phù Thị Chuyên (dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang), chị Củng Thị Mẩy (dân tộc Pu Péo ở Hà Giang) đều nhận được gửi gắm của dân tộc mình những tình cảm, nhắn gửi đầy yêu thương mang tới với bà con, chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa.
    Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói: “Tình cảm và sự quan tâm lớn lao của bà con 54 dân tộc Việt Nam tạo thành khối đại đoàn kết, mang tới hơi ấm đất liền, điểm tựa niềm tin cho bà con nơi đảo xa”.

    Ngân vang tiếng chiêng trường tồn

    Trong khi nhiều bà con rôm rả trò chuyện trong nhà anh Nguyễn Đình Phương và nhà anh Nguyễn Văn Trung thì chị Củng Thị Mẩy lại xuýt xoa ngắm vườn đu đủ trĩu quả của nhà anh Đặng Thanh Chương. Nhiều bà con đã ồ lên mỗi khi thấy những búi mồng tơi leo lên tận mái nhà, lá to bằng hai bàn tay; những vườn rau muống, rau cải... xanh mơn mởn trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa. Ấn tượng mạnh mẽ nhất vẫn là những chậu rau muống, rau cải của bộ đội trên các đảo chìm. Các anh đã chắt chiu từng giọt nước quý giá để chăm chút từng cây rau.

    Trường tồn khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ảnh 2

    Cựu chiến binh Ksor Bgioi trò chuyện với lính trẻ Trường Sa

    Bà con các dân tộc sống trên những triền núi cao hiếm nước và Tây Nguyên nhiều tháng khô hạn trong năm luôn để tâm tìm hiểu cũng như chia sẻ cách thức trồng, chăm chút để có được những vườn rau tốt tươi, cây trái trĩu quả. Ông Hồ Xuân Diên (dân tộc Tà Ôi ở xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) níu lấy thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn trên đảo Nam Yết để hỏi cách thức trồng cây xoài biển mà ông đang cầm những hạt giống trên tay. Ông bảo muốn trồng cây xoài biển ngay tại nhà mình để mỗi khi nhìn thấy là nhớ tới Trường Sa. “Mình muốn con cháu và bà con dân tộc của mình luôn hướng về Trường Sa” – ông Diên bộc bạch.

    Dưới chân cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên đảo Trường Sa sáng 24-4, đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam đã tặng quân và dân huyện đảo kiên cường những món quà có ý nghĩa biểu tượng, độc đáo, đặc sắc nhất của dân tộc mình. Đoàn Hà Giang tặng tấm hình lớn chụp lá cờ Tổ quốc tung bay trên cực Bắc của đất nước; đoàn Cao Bằng tặng bức hình lớn chụp thắng cảnh thác Bản Giốc, đi vào tâm khảm bao thế hệ; đoàn Gia Lai tặng những bộ trang phục dân tộc của đồng bào các dân tộc trên đất cao nguyên và bộ đàn T’rưng đặc sắc...

    Bên mốc chủ quyền Trường Sa, 3 hồi, 9 tiếng chiêng mà ông Đinh Quang Phòng (dân tộc Mường) gióng lên như hòa nhịp vào sóng gió trùng khơi, vang vọng khắp huyện đảo. “3 hồi, 9 tiếng chiêng tượng trưng cho sự trường tồn và vĩnh cửu” - ông Phòng cho biết.

    Sẽ xây dựng ngôi nhà đại đoàn kết tại Trường Sa

    Ông Lê Bá Trình cho biết Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang có ý tưởng cùng với các cơ quan chức năng xây dựng một ngôi nhà đại đoàn kết dân tộc tại huyện đảo Trường Sa trong nay mai. “Sự có mặt của đại diện tất cả các dân tộc Việt Nam trên huyện đảo Trường Sa hôm nay chính là sự khẳng định rằng bà con huyện đảo luôn là một phần máu thịt trong khối đại đoàn kết dân tộc chúng ta” - ông Trình nói.

    Theo Phạm Dương
    (Người Lao Động)