Trường đại học than khó nếu không tăng học phí năm học 2023-2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị định về học phí trong năm học sắp tới với chủ trương sẽ lùi thêm 1 năm việc thực hiện khung học phí trong Nghị định 81.
Nhiều trường ĐH lo ngại gặp khó khăn khi mức thu học phí hiện nay thấp sau 3 năm không tăng học phí

Nhiều trường ĐH lo ngại gặp khó khăn khi mức thu học phí hiện nay thấp sau 3 năm không tăng học phí

Thực hiện Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ GD-ĐT đang triển khai tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Trong đó, nội dung sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024 đang được các trường ĐH đặc biệt quan tâm.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình xây dựng chính sách học phí mới phải được nghiên cứu toàn diện, đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành, các cấp, bao phủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Theo đó, mọi chính sách làm gia tăng chi trả của người dân phải tính toán, đánh giá kỹ lưỡng.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị định về học phí trong năm học sắp tới, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, chủ trương sẽ lùi thêm 1 năm việc thực hiện khung học phí như Nghị định 81. Nếu Chính phủ đồng ý phương án này, năm học tới, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập vẫn được hưởng chính sách học phí như các năm học trước.

Xung quanh Nghị định 81, ông Thịnh nhấn mạnh với lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, nội dung điều chỉnh chỉ về lộ trình tăng học phí. Các quy định khác không thay đổi.

Dẫn chứng cụ thể, với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, nếu hết thời hạn 2 năm, cơ sở giáo dục không kiểm định chất lượng hoặc không đạt kiểm định phải quay lại áp dụng mức học phí như Nghị định 81 theo khối ngành đó và mức độ tự chủ của trường.

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH bày tỏ lo ngại về những khó khăn phải đối mặt nếu như không được tăng học phí trong năm học tới sau 3 năm không tăng học phí để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

GS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, tự chủ ĐH là một chủ trương, xu hướng đã được khẳng định và hiện nay phần lớn các trường đã thực hiện tự chủ. Các trường mong Bộ quan tâm đến chính sách về tài chính trong tự chủ ĐH và học phí. Nếu không thì rất khó khăn cho các trường.

Đặc biệt là các trường vừa mới được tự chủ ĐH trong năm gần đây. Vì thế, mong Bộ tiếp tục đề xuất, đề nghị Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách tài chính giúp cho các trường trong tiến trình tự chủ, đặc biệt là các trường mới bắt đầu tự chủ.

PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, các trường đang gặp khó khi mức thu học phí hiện nay thấp. Không có đầu tư một cách thích đáng, các trường không thể nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo ông Sơn, rất nhiều thầy cô giáo mong muốn được nghiên cứu nhưng không có nguồn kinh phí, cơ sở, phòng thí nghiệm... Các đơn vị sẵn sàng cùng với Bộ ký những thư thỉnh cầu để có thể tăng phí, có nguồn đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT Thủy, nguồn lực dành cho giáo dục đại học hiện còn rất hạn chế. Ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ.

Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn thừa nhận thực trạng nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp. Các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng.