Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Không tăng học phí là thách thức rất lớn cho các trường đại học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời về việc Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học mới 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn cho rằng, đây là thách thức rất lớn với khối đại học…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin tại buổi họp báo Chính phủ

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin tại buổi họp báo Chính phủ

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5-8, báo chí đề nghị đại diện Bộ GD-ĐT thông tin về việc xét tuyển đại học đang diễn ra, đồng thời chia sẻ quan điểm về việc không tăng học phí năm học mới 2023-2024 theo Nghị định 81 của Chính phủ.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu rất rõ là cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Việc không tăng lệ phí, học phí cũng là thực hiện theo chủ trương này của Chính phủ, giúp người dân giảm gánh nặng học phí phải chi trả cho con em.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi về học phí để sớm trình Chính phủ. "Bộ chỉ đạo thực hiện theo yêu cầu Chính phủ, nhưng đây là thách thức lớn" - ông Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin thêm, học phí không phải là nguồn duy nhất trong tài chính giáo dục. Tuy nhiên, đối với khối đại học, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng lớn từ 50%-90%. Do vậy, không tăng học phí giáo dục đại học sẽ là thách thức rất lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Theo ông Sơn, về lâu dài, tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất..) nếu như không tăng được thì cũng cần được giữ vững. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này rất quan trọng.

Thực tế nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

"Do đó, Bộ GD-ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn giống như hỗ trợ doanh nghiệp" - ông Sơn cho biết.

Còn đối với giáo dục phổ thông có tính chất phúc lợi, an sinh xã hội (chủ yếu do Nhà nước bảo đảm kinh phí), ông Sơn đề nghị các địa phương quan tâm bảo đảm ngân sách, giữ ổn định đời sống để giáo viên yên tâm công tác và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, khắc phục việc giáo viên bỏ việc.