Trường đại học không thể chỉ trông vào học phí để nâng chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thấp, việc các trường ĐH trông cậy vào học phí của người học được đánh giá là sẽ không phù hợp khi không thể tăng mãi học phí.
Giáo dục ĐH được dự báo là khó cất cánh nếu chỉ trông cậy vào học phí

Giáo dục ĐH được dự báo là khó cất cánh nếu chỉ trông cậy vào học phí

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 19/10, GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội nêu rõ hiện nguồn thu của hầu hết các trường ĐH chỉ trông vào học phí.

Với đà này, chỉ 3 năm nữa là tới giới hạn khả năng tăng học phí, bởi không thể tăng thêm nữa khi GDP cũng như thu nhập người dân tăng chậm. Theo GS Lê Quân, nếu không đầu tư ngân sách thì chắc chắn giáo dục ĐH sẽ khó cất cánh.

Trong buổi tọa đàm về thách thức và cơ hội với giáo dục đại học ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc thúc đẩy chất lượng và quy mô giáo dục đại học là sự hạn hẹp về nguồn lực tài chính, từ đó ảnh hưởng tới các yếu tố về con người, hạ tầng cơ sở vật chất.

Theo Thứ trưởng, thống kê từ Bộ Tài chính, năm 2020 kế hoạch ngân sách chi cho GDĐH chưa đến 17.000 tỉ đồng, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỉ đồng. Nếu tính theo con số thực chi thì tỷ lệ chi cho GDĐH trên GDP là 0,18%, thấp hơn nhiều so với con số của các nước trong khu vực và thế giới.

Nguồn lực chi cho các trường ĐH hiện nay từ 3 nguồn: nhà nước, người học, xã hội. Theo đó, người học có trách nhiệm chi trả những gì mình được lợi ích, nhưng để hiện đại hóa một cơ sở GDĐH, mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, đặc biệt với ngành công nghệ cao, thì học phí không thể chi trả được.

Học phí chỉ có thể dùng để chi trả cho những gì mà người học được nhìn thấy ngay; còn đầu tư lâu dài, đầu tư phát triển đội ngũ thì rõ ràng nhà nước cần quan tâm hơn.

Mặt khác, có những ngành đào tạo để phục vụ lâu dài cho đất nước như khoa học cơ bản, nông lâm ngư nghiệp, nghệ thuật, đào tạo trình độ sau ĐH...

Không có công nghệ nền tảng thì không thể có công nghệ cao, không có khoa học cơ bản thì không có công nghệ nền tảng. Những ngành này không dễ gì xã hội hóa được, nhưng chúng ta lại đang hạn chế về nguồn lực.