Trước mùa mưa bão

(ANTĐ) - Thấp thỏm chờ đợi rồi vừa mới kịp thở phào vì cơn bão Conson không đổ vào, tuần này người dân Hà Nội lại chịu ảnh hưởng của bão số 2 mang tên Chanthu. Xem ra mới đầu mùa mưa bão thôi, mà những cơn bão đã liên tiếp, khiến ai nấy đều cảm thấy cần phải đề phòng bất trắc của thời tiết.

Trước mùa mưa bão

(ANTĐ) - Thấp thỏm chờ đợi rồi vừa mới kịp thở phào vì cơn bão Conson không đổ vào, tuần này người dân Hà Nội lại chịu ảnh hưởng của bão số 2 mang tên Chanthu. Xem ra mới đầu mùa mưa bão thôi, mà những cơn bão đã liên tiếp, khiến ai nấy đều cảm thấy cần phải đề phòng bất trắc của thời tiết.

Các cơ quan chức năng thì khơi sông, thoát ngòi, chuẩn bị đê điều, phương án phòng chống bão lụt. Thậm chí ý tưởng táo bạo là làm hầm dưới lòng đất để rút nước cũng đã được lãnh đạo thành phố nghĩ tới. Trong các gia đình, cánh đàn ông thì lo đến nhà cửa có an toàn, chắc chắn; còn các bà nội trợ thì lo đến cái ăn, cái mặc những ngày bị mưa gió cầm chân trong nhà. Nhưng trước mùa mưa bão này, bất giác tôi lại thương cho những phận cây của phố phường Hà Nội.

Nhiều người vẫn tự hào Hà Nội là thành phố của cây xanh. Trên khắp các nẻo phố, đâu đâu cũng bắt gặp cây xanh tỏa bóng, nhiều gốc cây cổ thụ dễ đến gần trăm tuổi, trở thành dấu ấn riêng của từng tuyến phố, khiến nhiều người nhớ.

Nhưng trước mùa mưa bão, nếu con người dù ít dù nhiều cũng biết trước và vẫn có ý thức tự bảo vệ được mình, nhưng cây cối thì dường như việc tự bảo vệ và được bảo vệ là hai điều không thể… ngang nhau. Lợi ích của cây với đường phố, với môi trường, với bản thân mỗi người thì ai cũng biết, nhưng việc đền đáp lại những lợi ích ấy thì nhiều người nghĩ chỉ là việc của Công ty Công viên cây xanh.

Đòi hỏi người Hà Nội bảo vệ cây, hồ hay môi trường xem ra là một việc làm khá khó khăn và cần nhiều sự kiên trì. Điều có ý nghĩa nhất mà tôi nhận thấy là gần đây cây cối của Hà Nội đã được đánh số, tuy vậy, những con số nguệch ngoạc bằng vôi trên cây lại không hề mang lại tí giá trị thẩm mỹ nào.

Ngay trong khu vực hồ Gươm với rất nhiều cây xanh um tùm và không ít cây quý hiếm vẫn hàng ngày đeo trên mình đủ thứ “ách” với những chiếc đinh to đùng bị đóng thẳng vào thân. Nghe nói, đã có hàng chục tỉ đồng để thực hiện cải tạo hệ thống chiếu sáng quanh khu vực hồ Gươm, thế nhưng thân cây xanh vẫn được “tận dụng” cho việc treo đèn, gắn bảng hiệu và rất nhiều thứ khác nếu người ta thấy tiện dụng.

Tệ hại hơn, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, người ta còn lén lút cạo vỏ cây, đổ nước sôi, đổ dầu và nói chung là các chất độc hại vào gốc cây, cốt mong sao cho cây… nhanh chết, đừng “án ngữ” trước cửa nhà mình. Hoặc nhiều gốc cây xanh tới rằm mùng một lại trở thành nơi đốt vàng mã.

Cũng tương tự như thế, trong chiến dịch lát lại vỉa hè, nhiều u, mấu sần sùi từ rễ cây trồi lên mặt đất cũng bị người ta phạt đi cho phẳng để phủ gạch, thít chặt đường viền bao quanh gốc cây, dù biết rằng với sự phát triển của cây, chả mấy chốc nữa mà rễ sẽ lại đội gạch mà lao lên làm nứt nẻ tung tóe vỉa hè.

Những hành động nhiều khi rất hồn nhiên và ngang nhiên ấy, diễn ra ai cũng dễ dàng nhìn thấy, dễ dàng bắt gặp, nhưng lại đứng ngoài các chế tài xử phạt, hoặc chưa thấy mấy ai bị xử phạt một cách nghiêm khắc. Chỉ khi những kẻ phá hoại cây cối bị đưa ra xét xử nghiêm minh như với bọn “sưa tặc” thì may ra đời cây mới bớt xanh xao.

Chợt nhớ, trong chuyến du lịch Trung Quốc, tôi đã hết sức ngạc nhiên và thán phục khi thấy hàng loạt cây cối được phun nước, tưới tắm từng chiếc lá mỗi sáng sớm. Ở Australia, chỉ bẻ một cành cây nhỏ, thậm chí chặt một cái cây xanh cao chừng 2m ở trong vườn nhà mình cũng đã bị phạt tù, có khi tới 5 năm. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết ở một số nước phương Tây còn đưa ra nhiều luật lệ để bảo vệ quyền của những sinh vật không phải là người.

Theo đó, một con gà đẻ trứng phải được nuôi trong một chiếc lồng tiêu chuẩn, một con chuột cảnh, thú cảnh, thú làm xiếc đều được hưởng quyền lợi thích đáng từ những con người nuôi dạy và hưởng thụ chúng… Thậm chí, cây xanh khi qua tuổi trưởng thành là được lập “hồ sơ khám bệnh” để có chính sách chăm sóc tốt như với con người. Những hành động ấy hẳn sẽ có tác động đến ý thức của người dân, đồng thời phát triển lòng nhân ái của loài người.

Chuyện cây đổ vỡ nhà, bẹp xe, cản trở giao thông đã là chuyện khá phổ biến với một đô thị như Hà Nội, bất kể có phải đúng mùa mưa bão hay  không. Điều ấy thật sự đáng để chúng ta suy nghĩ. Nếu cây được chăm sóc, bảo vệ khoa học hơn, nghĩa là ta đối xử với cây cũng ân tình như cây đối xử với ta thì rõ ràng con người sẽ ít phải muộn phiền trước những điều bất trắc do cây xanh gây ra. Và Hà Nội, đương nhiên sẽ bớt hẳn một nỗi lo trong rất nhiều nỗi lo mùa mưa bão.

Phạm Như Trang