Trung thu có còn là Tết trẻ em?

ANTĐ - Xưa, mỗi dịp Tết Trung thu là người lớn lại rộn ràng gom tụ nhau lại làm nên những chiếc kiệu, những chiếc đèn ông sao, rồi thì mua kẹo bánh… Tất cả là để cho lũ trẻ phá cỗ trông trăng. Giờ thì người ta vẫn hối hả, bận rộn, có khi còn đau cả đầu để chuẩn bị cho ngày Trung thu, nhưng không phải cho lũ trẻ mà chủ yếu là cho… người lớn. 
Trung thu có còn là Tết trẻ em?  ảnh 1

Thì cứ nhìn vào những hộp quà bánh, rồi thì cách tổ chức Trung thu ngày nay sẽ thấy. Trước Trung thu cả tháng trời, nhiều người đã phải tính toán lên danh sách các lãnh đạo, các sếp, các đối tác để chọn quà sao cho phù hợp. Sếp lớn thì quà lớn, sếp bé thì quà bé. Mà quà thì đâu chỉ là bánh trung thu, đồ chơi cho trẻ con, giờ người ta tính quà bằng phong bì, bằng rượu ngoại.

Bánh Trung thu cũng không còn chỉ là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống nữa. Các khách sạn, nhà hàng, các công ty bánh kẹo đua tranh nhau từng ly từng tý thị phần bánh Trung thu bằng những hộp bánh - quà độc đáo nhất, có giá lên tới cả chục triệu đồng. Chẳng nói thì ai cũng hiểu, có gia đình nào bỏ tiền triệu ra mua bánh Trung thu cho con mình thưởng thức.

Thế nên giờ người ta mới có câu cửa miệng về những chiếc bánh Trung thu cao cấp, rằng “người mua không ăn, người ăn không phải mua”. Các doanh nghiệp làm bánh cao cấp, vì thế tha hồ “làm giá”, bởi chả có khách hàng nào mua bánh dám bẻ chiếc bánh ấy ra để xem bên trong có yến sào hay vi cá mập không, còn người được ăn thì cũng chả quan tâm, quà biếu chứ có phải bỏ tiền ra mua đâu.

Mà nói vậy chứ, hộp quà đắt đâu chỉ ở chiếc bánh. Nó đắt là ở cái thương hiệu của nơi làm bánh, đắt ở cái hộp với những hình ảnh biểu trưng cho sự may mắn, phúc lộc với đủ các kiểu “độc”, bằng gỗ quý, sơn mài tinh xảo, bọc da hươu, da nai, rồi thì dát vàng… Và nó còn đắt vì những chai rượu ngoại tiền triệu được kèm bên trong nữa… Tất cả là để ghi điểm trong mắt người được biếu, tặng.

Rồi thì việc tổ chức Trung thu. Trẻ thành phố giờ có biết bao nhiêu hoạt động Trung thu, có khi chạy sô không hết. Trung thu ở trường, ở khu phố, ở cơ quan bố, cơ quan mẹ, ở các điểm vui chơi… Thế nhưng nhiều người thở dài, Trung thu bây giờ thừa mà thiếu.

Bởi ở đâu cũng có những hoạt động na ná nhau, năm nào cũng mấy tiết mục múa hát, rồi thì một vài diễn viên hài, mấy màn xiếc trăn, xiếc khỉ lặp đi lặp lại, xong thì phát bánh, phát kẹo cho trẻ. Nó nặng về hình thức, về cái sự “cho có” của người lớn mà thiếu những thứ nguyên sơ nhất như được bày cỗ, phá cỗ, trông trăng, được rước đèn, xem múa lân, sư tử… Bố mẹ một phần hạn hẹp thời gian, một phần cũng thiếu quan tâm, nên thôi thì Trung thu trông vào các sự kiện của cơ quan, đoàn thể là chính.