Trung Quốc nên học cách lắng nghe!

ANTĐ - Nghe thì ai cũng biết, nhưng lắng nghe thì không phải ai cũng biết.

Tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là bằng chứng tố cáo

những yêu sách phi lý của Trung Quốc

Việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, chắc chắn họ đã nghe thấy sự phản ứng của dư luận thế giới, nhưng họ không chịu học cách lắng nghe. Tham vọng lấn chiếm Biển Đông với một số nhà cầm quyền Trung Quốc là quá lớn nên đã làm lu mờ và lấn át mọi tiếng nói cảnh tỉnh đối với quốc gia này. Hàng ngày, hàng giờ Trung Quốc ngang nhiên gây hấn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như với các bạn láng giềng khác. Họ đang đi ngược lại những điều mà mình luôn miệng nói ra rả  trên những diễn đàn quốc tế, Trung Quốc đang chà đạp trên chính thỏa thuận về hợp tác và ổn định hòa bình trong khu vực mà họ đã cam kết. Nhưng những hành động khiêu khích của kẻ cậy mình là nước lớn, song lại thiếu tư cách của một nước lớn đã bị dư luận thế giới phản ứng kịch liệt. Chính những hành động này đã khiến cho Trung Quốc phải đối mặt với sự khủng hoảng lòng tin của cộng đồng thế giới. Trung Quốc đang khiến cho cả thế giới hiểu rằng họ muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình. 

Trung Quốc có nghe thấy không?  Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain đã chỉ trích hành động của Trung Quốc cho đóng quân thường trực trên cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “một sự khiêu khích không cần thiết”, là “hành động không xứng tầm một cường quốc có trách nhiệm”. Trong khi đó, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng: “Hành động của Trung Quốc xem chừng là muốn đẩy tình hình vào chuyện đã rồi”. Còn CNN  thì dẫn lời chuyên gia Mỹ Stephanie Kleine-Ahlbrandt cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến lược “chuyển lửa ra ngoài” nhằm kéo sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những sự kiện rối ren trong nội bộ với việc dựng lên những kẻ thù bên ngoài. Và còn nhiều, rất nhiều bình luận tương tự trên báo chí thế giới rằng Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo”, rằng Trung Quốc đang “cưỡng bức” các nước láng giềng, rằng Trung Quốc đang “bước vào sân nhà người khác để đòi chủ quyền”… Chắc chắn những điều trên Trung Quốc đều nghe thấy, và các nhà cầm quyền Trung Quốc đều nghe thấy.

Còn nữa, Trung Quốc có nghe thấy không những tiếng nói thẳng thắn được gióng lên ngay trong lòng nước mình. Hàng loạt các trí thức, học giả, những nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã “tố” những người cầm quyền quốc gia này về yêu sách đường lưỡi bò mà họ tự vẽ ra trên Biển Đông rằng đó chỉ là “tuyên bố đơn phương  không giá trị pháp lý”, rằng “đó chỉ là đòi hỏi vô lý mà không biết nhân tình”. Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa, thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, cho rằng: “Trung Quốc vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật”.

Liên quan đến hàng loạt các hoạt động gây hấn một cách ngang ngược của Trung Quốc trên Biển đông thời gian gần đây, các học giả Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Biên tập viên Tân Hoa xã Chu Phương đã phản đối cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc vừa dựng nên là “nỗi ô nhục” của Trung Quốc, là “trò cười quốc tế” mà Chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế. Học giả Trung Quốc khuyên các nhà cầm quyền “đừng theo luật rừng mà nên theo luật biển”… Chắc chắn Trung Quốc đã nghe rõ những tiếng nói đang được gióng lên ấy. Nhưng đã lờ đi bằng cách “đầu độc” dư luận và lấp liếm ý đồ xâm lược của mình  để người dân hiểu rằng họ đang là nạn nhân. Trung Quốc tưởng rằng sử dụng chiêu bài “đánh lừa dư luận” sẽ lôi kéo được những người dân đứng về phía những nhà cầm quyền. Nhưng rõ ràng chiêu bài này  đã “phản tác dụng” .

Trung Quốc có nghe thấy không những tiếng than thất vọng từ chính những người dân của mình. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi, tăng trưởng kinh tế lao dốc chưa từng thấy, 85% thị dân Trung Quốc không có tiền mua nhà vì giá quá cao. Khi GDP quý I năm nay xuống còn 8,1% và còn chiều hướng giảm thêm vào cuối năm thì hàng triệu người lao động nhập cư vào các thành phố lớn đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trung Quốc có nghe thấy không, một cuộc điều tra của Ủy ban dân số kế hoạch hóa của Bắc Kinh cho thấy hơn một nửa người dân ở đây không hạnh phúc. Trung Quốc có nghe thấy không, những người dân Trung Hoa Đại lục đang tức giận vì thiên tai, bão lũ. Và Trung Quốc có nghe thấy không, những người dân của mình đang rất hoang mang trước nạn tham nhũng hoành hành mà vụ án Bạc Hy Lai đã gây chấn động dư luận cả thế giới trong thời gian qua. Những nhà cầm quyền Trung Quốc cần phải làm gì cho người dân của mình, chứ đừng tìm cách “lái” dư luận ra Biển Đông mỗi khi xã hội bất ổn. Chúng tôi tin rằng, người dân Trung Quốc cũng tôn trọng chính nghĩa, vì hơn ai hết, người dân Trung Quốc hiểu một cách sâu sắc nhất lời răn của Khổng Tử “Điều gì mình không muốn thì đừng gây cho người khác”.

Và Trung Quốc có nghe thấy không? Hàng loạt các bằng chứng có giá trị pháp lý đang tố cáo lại những yêu sách phi lý của quốc gia này. Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền tuyệt đối của Việt Nam, không cần phải tranh cãi. Và mọi hành động gây hấn của Trung Quốc trong thời gian vừa qua tại hai quần đảo này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng có giá trị để khẳng định điều đó. Hàng loạt các bản đồ cổ của Việt Nam từ thời khai thiên lập địa đã thể hiện sự hiện diện của 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên lãnh thổ Việt Nam. Và ngay chính tấm bản đồ cổ của Trung Quốc được vẽ từ đời Nhà Thanh “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cũng đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Rồi đây cả thế giới sẽ được biết đến những bằng chứng giá trị này. Điều này chắc chắn Trung Quốc phải biết và phải nghe thấy? Và nên học cách lắng nghe. 

Trung Quốc có nghe thấy không những tiếng nói chính nghĩa, những tiếng nói cảnh tỉnh và cả những tiếng nói yêu chuộng hòa bình vẫn gióng lên từng ngày. Trung Quốc đang làm xấu đi hình ảnh của mình bởi những toan tính trên Biển Đông. Lòng tin của thế giới đối với Trung Quốc bị nghi ngờ. Điều này khiến cho các học giả Trung Quốc hết sức lo ngại. Học giả Chu Hạo -Chuyên viên của Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Bắc Kinh - đăng trên tờ China Daily vào ngày 6-7 đã cảnh báo các nhà cầm quyền Trung Quốc nếu không tỉnh táo  thì “Biển Đông sẽ là cái bẫy giam hãm Trung Quốc”. Các hành động của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến ngay cả những chuyên gia quốc tế từng ủng hộ Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Trong đó có Giáo sư Kishore Mahbubani - Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore. Giáo sư Kishore Mahbubani cho rằng “Trung Quốc đang mắc hàng loạt những sai lầm nghiêm trọng” và đang “đẩy chính mình vào cảnh tiến thoái lưỡng nan”.  Chắc chắn Trung Quốc đã nghe thấy những tiếng nói này. Trung Quốc nên học cách lắng nghe. Những tiếng nói yêu chuộng hòa bình vẫn gióng lên từng ngày.

PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật Biển và hàng hải quốc tế, ĐHQGHN: Làm gì có cách xác định đường biên giới buồn cười như vậy

Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua thể hiện âm mưu có từ rất lâu của nước này. Những năm gần đây Trung Quốc liên tục dùng hành động: cắt cáp tàu Bình Minh 2, gây rối tàu Viking 2. Mới đây là cho đội tàu xuống khai thác ngư trường Trường Sa của Việt Nam. Không chỉ với Việt Nam mà Trung Quốc còn gây hấn với Philippines, Nhật, tuyên bố đường lưỡi bò chiếm gần 90% biển Đông cho thấy tham vọng độc chiếm biển Đông. Giá trị pháp lý không hề có, không xác định rõ tọa độ, kinh độ ở đâu. Không ai xác định đường biên giới một cách buồn cười như vậy. Hành động của Trung Quốc cũng khiến dư luận quốc tế cho là vô lý, thậm chí là buồn cười, không thể chấp nhận được. 

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ta không đi xâm lược ai, ta hòa hiếu nhưng một khi bị xâm lấn lãnh thổ thì chúng ta cần đứng lên để bảo vệ lãnh thổ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nếu chúng ta mất chủ quyền trên biển sẽ mất chủ quyền trên đất liền. Họ lấn được một bước sẽ lấn tiếp bước thứ hai. Chúng ta cần cho nhân dân Việt Nam và nhân dân cả thế giới thấy được âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đồng thời cần  hun đúc tinh thần yêu nước đã có trong máu người Việt Nam từ ngàn đời để tạo nên sức mạnh.