Trung Quốc đang tự đánh chính mình

ANTĐ - Ngày 12-6, trang Sohu.com của Trung Quốc đăng tải bài tổng hợp ý kiến của các học giả trong nước với tiêu đề “Trong đối ngoại, Trung Quốc không thể cứ không phục là đánh. Phải làm một nước lớn có thiện chí”. Đây là những ý kiến đánh giá về cuốn “Một sự khởi đầu mới – Quy hoạch chiến lược ngoại giao Trung Quốc và hệ thống tư duy phức tạp” của Giáo sư Vương Phàm, Phó giám đốc Học viện ngoại giao Trung Quốc.

Tiến sỹ Tôn Triết: “Tôi luôn hoài nghi về năng lực khủng hoảng của Trung Quốc”

Theo Tiến sỹ Tôn Triết, giảng viên Chính trị học của Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc), cộng đồng nhân loại có chung lợi ích, chung số phận, cộng đồng trách nhiệm, lý thuyết ngoại giao mang tính tiên phong hay thái độ khoan dung…, những lý luận ngoại giao mà Trung Quốc đề xướng ra thì rất nhiều, tuy nhiên khi cụ thể hóa chúng trên thực tế thì người Trung Quốc lại không làm được.

“Trung Quốc cần suy nghĩ lại về triết lý ngoại giao mới mà mình đề ra và cả tình hình thực tiễn. Thứ nhất, trách nhiệm của Trung Quốc nên rõ ràng hơn trong việc làm thế nào để thực hiện một cộng đồng chung lợi ích, cộng đồng chung số phận, cộng đồng chung trách nhiệm. Thứ hai là vấn đề kiểm soát khủng hoảng. Trung Quốc không muốn gây căng thẳng ngoại giao, nhưng cá nhân tôi vẫn luôn hoài nghi về năng lực kiểm soát khủng hoảng của Trung Quốc. Trong ngoại giao, Trung Quốc không thể dùng thái độ “anh không phục tôi thì tôi đánh” được, phải đối thoại đa phương. Thứ ba, sau khi đạt được sự phát triển về kinh tế, Trung Quốc vẫn không thực sự trỗi dậy về tinh thần. Từ kinh nghiệm của Mỹ thì thấy, không thể chỉ làm một nước lớn, một cường quốc, mà còn phải làm một nước lớn có thiện chí”. 

Giáo sư Bành Trung Anh: “Trung Quốc đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan”

Trong khi đó, Giáo sư Bàng Trung Anh, Khoa Chính trị quốc tế Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, nhiều tình thế khó khăn chính là do ngoại giao Trung Quốc tự tạo ra. “Trong cuốn sách của Giáo sư Vương Phàm có nhắc đến 2 tình thế khó khăn, một là khó khăn trong trỗi dậy, hai là khó khăn trong phát triển. Tôi thấy ở Trung Quốc chủ yếu là khó khăn trong trỗi dậy. Rất nhiều chuyên gia về Trung Quốc ở phương Tây gọi đó là “tiến thoái lưỡng nan”. Tôi nghĩ rằng cái gọi là “tiến thoái lưỡng nan” chính là mình tự đánh chính mình. Ví dụ như vấn đề can thiệp, dù là ngấm ngầm ẩn giấu hay công khai, thì bản chất đều là Trung Quốc có muốn can thiệp hay không, hoặc là can thiệp tới mức độ nào. Cực đoan của việc ngấm ngầm ẩn giấu chính là không can thiệp, không có nguyên tắc, không có ngoại giao. Trong thực tế, Trung Quốc vừa không can thiệp, vừa can thiệp các vấn đề nội bộ. Điều này đã tạo nên tình thế khó khăn cho ngoại giao Trung Quốc”.