‘‘Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập”

ANTĐ - Nhận định về tình hình Biển Đông hiện nay, ông Greg Poling, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ, cảnh báo rằng  Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với sự cô lập trong cộng đồng quốc tế nếu tấn công những nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.  

Suy thoái kinh tế dẫn đến bất ổn xã hội khiến Trung Quốc lái dư luận sang vấn đề tranh chấp lãnh thổ

Theo nhận xét của nhiều nhà quan sát quốc tế, thái độ gây hấn, tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc để lái dư luận vào hướng khác mà quên đi những tồn tại trong nước. Jean-Luc Buchalet, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Pháp Pythagor Investissement BP, đồng tác giả quyển “Bom nổ chậm Trung Quốc” nhận định: “Ở Trung Quốc, người nước ngoài trở thành vật tế thần khi kinh tế gặp khó khăn. Nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục ì ạch, Trung Quốc có thể hung hăng hơn trong vấn đề lãnh thổ”. Các dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm tới đều dè dặt. Thậm chí, một số chuyên gia nhận định rằng kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang lao dốc nhanh hơn những dự báo bi quan nhất. Đây là điều chưa từng thấy trong 30 năm qua. 

Xuất khẩu và đầu tư hạ tầng cơ sở chiếm lần lượt 30% và 40% GDP Trung Quốc. Khi 2 lĩnh vực này có vấn đề như đang xảy ra (xuất khẩu giảm mạnh, nợ xấu lớn) thì nền kinh tế Trung Quốc trở nên mong manh. Giáo sư Minxin Pei, Trường Đại học Claremont McKenna, bang California (Mỹ) nhận xét, nguyên nhân chủ yếu làm mất cân đối ở tầm kinh tế vĩ mô là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào xuất khẩu nên không thể có tăng trưởng bền vững. 

Trung Quốc được tiếng là nước có nhiều con nợ và dự trữ ngoại hối lớn, tuy nhiên phải biết rằng phần lớn con nợ của Trung Quốc là từ cổ phiếu của các nước Âu-Mỹ, đặc biệt là Mỹ. Do đó, tính phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc là rõ ràng. Bất kỳ biến động nào từ những nước này đều có thể khiến Trung Quốc không thể yên ả. 

Suy thoái kinh tế tất yếu dẫn đến bất ổn xã hội. Mấy chục năm qua, kinh tế Trung Quốc liên tục phát triển khiến người dân hài lòng. Nhưng khi GDP quý I/2012 giảm xuống còn 8,1% và còn chiều hướng giảm thêm vào cuối năm thì hàng triệu người lao động nhập cư vào các thành phố lớn đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Đầu tư xây dựng giảm mạnh, công nhân thất nghiệp tăng gây bất ổn. 

Và để đánh lạc hướng dư luận trong nước, Trung Quốc đã hướng dư luận tới những tranh chấp ở Biển Đông bằng cách bôi xấu và “đổ tội” cho các nước láng giềng. Lợi dụng các phương tiện truyền thông, Trung Quốc đã cố tình thể hiện cho người dân Trung Quốc thấy rằng Trung Quốc không chủ động gây sự mà  rằng họ bị “ép” nên buộc phải phản ứng. Từ đó Trung Quốc thổi bùng các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Nhưng dường như lối gây hấn này của Trung Quốc đã bị… phản tác dụng. Trung Quốc không những không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế mà ngay chính những người dân Trung Quốc cũng đã nhận ra ý đồ của Trung Quốc.

Những phản ứng của dư luận thế giới sau khi Trung Quốc “làm nóng Biển Đông” cũng cho thấy lòng tin của các nước đối với Trung Quốc đã không còn như trước. Giới chuyên gia nước ngoài cho rằng, Bắc Kinh đang phải chật vật giải quyết những căng thẳng xã hội và đối phó với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại. “Nếu năm nay mọi thứ thuận buồm xuôi gió thì tình hình ở Trung Quốc không nhạy cảm đến thế” - Hãng thông tấn AP dẫn lời Giáo sư đại học Thanh Hoa Patrick Chovanec bình luận.

Trong khi đó, chuyên gia đại học California Jeremiah Jenne cho rằng: “Trung Quốc lái sự chú ý của dư luận khỏi những vấn đề khó khăn” còn  nhà phân tích James McGregor thuộc Hãng tư vấn APCO Worldwide nhận định: “Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài đổ tội cho các thế lực bên ngoài khi bất ổn xảy ra”. Là cây bút có quan điểm thẳng thắn ở Trung Quốc, biên tập viên Chu Phương của Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã mạnh mẽ phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi chính quyền Trung Quốc bãi bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” trong các bài viết đăng trên blog của trang SINA.com. Trong bài viết: “Hiện trạng Biển Đông có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”, BTV Chu Phương đã gọi  việc lập ra “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc là: “Phô bày nỗi ô nhục của Trung Quốc, buộc Chính phủ và quân đội Trung Quốc phải “trở mặt” với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế... 

Rõ ràng Trung Quốc đang có nguy cơ bị cô lập  trong cộng đồng quốc tế. Nói như nhà phân tích Poling trên website ABS-CBNNews.com (Philippines) thì “Đứng trên lập trường của Trung Quốc, Bắc Kinh cho rằng mình có thể dễ dàng đánh chiếm bất kỳ  khu vực tranh chấp nào ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể làm điều này mà không gây ra tổn hại rộng khắp đối với những lợi ích của mình ở nước ngoài. Trong tình huống  như thế, Trung Quốc sẽ bị xem là một kẻ xâm lược, vi phạm những nghĩa vụ mà nước này cam kết khi tham gia các hiệp ước đa phương và song phương. Khi đó, những hy vọng về việc Trung Quốc được xem là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế hoặc một cường quốc mới nổi sẽ không còn nữa… Trung Quốc sẽ cảm thấy mình bị cô lập khi Mỹ cùng với các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu lo ngại về những hành vi xâm lược tiếp theo của nước này”.