Trung Quốc chi đậm để tuyên truyền sai lệch về Biển Đông

ANTĐ - Mới đây, hãng tin nhà nước Tân Hoa xã của Trung Quốc đã cho phát một đoạn video với nội dung bóp méo sự thật về Biển Đông trên một biển quảng cáo kỹ thuật số ngay giữa quảng trường Thời đại ở thành phố New York, Mỹ. 

Trung Quốc bóp méo sự thật về tranh chấp ở Biển Đông bằng nhiều phương thức

Với tần suất phát sóng 120 lần/ ngày từ ngày 23-7 tới 3-8, chi phí cho công tác tuyên truyền này ước tính 300.000-400.000 USD/tháng, hãng Sputnik đưa tin.

Đoạn video sai lệch được tung ra sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông vào ngày 12-7. Đáng chú ý, video này có thể nằm trong chiến dịch tuyên truyền do Bắc Kinh phát động trước và sau khi có phán quyết của PCA.

Theo trang Japantimes, trước phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã sử dụng những bài xã luận, video và mạng xã hội để bảo vệ lập trường ngang ngược của mình ở Biển Đông. Nhiều tờ báo đã đăng bài xã luận của các đại sứ Trung Quốc, trong khi mạng xã hội tràn ngập các video, các thông điệp thể hiện quan điểm của chính phủ nước này.

Cụ thể, hôm 1-7, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đăng tải 10 video bằng tiếng Anh lên Youtube với nội dung một số học giả, quan chức Trung Quốc và nước ngoài “có ý kiến về vấn đề Biển Đông tương đồng với lập trường của chính phủ Trung Quốc”.

Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc sản xuất nhiều video tuyên truyền về lập trường của chính phủ, đồng thời còn làm một đoạn hoạt hình có nội dung tương tự bằng tiếng Anh vào cuối tháng 6.

Cùng thời điểm này, ngày 28-6, Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc cũng tung ra đoạn video ca nhạc nhằm mục đích nói với những người nước ngoài “sự thật” về đất nước họ. Bài hát rap đó mở đầu bằng câu muốn “khôi phục ấn tượng của bạn đối với Trung Quốc”, đồng thời tố cáo những hình ảnh sai lệch về Trung Quốc là do phương tiện truyền thông phương Tây nhào nặn ra.

Sau khi tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, “cỗ máy” tuyên truyền của nước này vẫn tiếp tục hoạt động. Cùng với việc truyền thông đưa tin xuất hiện những nhóm người tẩy chay hàng hóa của Mỹ, Philippines ở Trung Quốc; cộng đồng mạng nước này cũng dấy lên phong trào “Trung Quốc - một chút không thể thiếu”.

Theo trang Diplomat, các sao Hoa ngữ đã đồng loạt sử dụng từ khóa  này trên trang mạng xã hội cá nhân để ủng hộ lập trường chính phủ bác bỏ phán quyết của PCA. Diplomat nhận định, đây là một bước đi khôn ngoan của Bắc Kinh khi tận dụng mạng lưới người hâm mộ trên toàn cầu của các sao Hoa ngữ để tuyên truyền tư tưởng sai trái rằng Biển Đông thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp.

Tuy nhiên, dù mở đại chiến dịch tuyên truyền thế nào, điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc vẫn là lý lẽ thiếu thuyết phục, đặc biệt sau khi PCA ra phán quyết rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với nguồn tài nguyên trong cái mà nước này gọi là “đường chín đoạn” trên Biển Đông.