Trung Quốc âm mưu xây dựng phi pháp ở Trường Sa, cực kỳ nguy hiểm

ANTĐ - Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng Trung Quốc đang âm mưu xây dựng phi pháp ở Trường Sa của của Việt Nam, qua đó tạo thành bàn đạp khống chế các nước khu vực.

Trung Quốc dùng "hình mẫu" biển Đông, lấn tới ở các vùng tranh chấp khác

Mới đây, Philippines đã tố cáo Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đường băng trên bãi đá Gạc Ma (thuộc Trường Sa của Việt Nam), đồng thời có nhiều động thái chuẩn bị cho việc xây dựng tại bãi đá Ga Ven và bãi đá Châu Viên.

Một số chuyên gia Trung Quốc như Kim Xán Vinh, thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, hay Lý Kiệt, từ Viện Nghiên cứu hải quân, đã trắng trợn tuyên bố về kế hoạch xây dựng mở rộng bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo, có đường băng, cảng biển, căn cứ không quân và hải quân.

Hãng thông tấn Bloomberg ngày 11-6 cũng đã có bình luận: “Cát, xi măng, gỗ và bê tông là những công cụ mới nhất trong kho “vũ khí” giành biển đảo của Trung Quốc, nhằm phục vụ tham vọng thay đổi hình dạng biển Đông”.

Đồ họa về căn cứ quân sự mà Trung Quốc định xây ở bãi đá Gạc Ma

Ngày càng có nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thấy song song với những hành vi hung hăng trong vùng biển Việt Nam xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), Trung Quốc đang ngấm ngầm thực hiện âm mưu lấn biển, xây đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa của Việt Nam.

Ông Richard Javad Heydarian, giảng viên Đại học Ateneo de Manila kiêm cố vấn về chính sách cho Hạ viện Philippines, nhận định, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực.

Giám đốc chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) ông Rory Medcalf nói, nếu đạt được ý đồ trong việc xây dựng ở Trường Sa của Việt Nam thì Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp này như một hình mẫu để lấn tới tại các khu vực tranh chấp khác.

Bằng cách dựng nên những hòn đảo chưa từng tồn tại trong tự nhiên, Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình.

Kế hoạch "dựng đảo, khống chế khu vực"

Ngày 6-6 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hồng Lỗi tuyên bố bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc tại những hòn đảo hoặc đảo san hô vòng tại Trường Sa đều thuộc phạm vi chủ quyền của nước này và “không đến lượt” bên khác lên tiếng.

Theo các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng ở biển Đông, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký với ASEAN năm 2002 và các quy định quốc tế khác.

Ông Richard A.Bitzinger  chuyên gia thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng việc xây dựng ở Trường Sa nguy hiểm không kém gì vụ tàu nước này đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 26-5 vừa qua.

Theo cựu cố vấn An ninh quốc gia Philippines - Roilo Golez, căn cứ Trung Quốc đang dựng lên ở bãi đá Gạc Ma sẽ có diện tích 5 km2, có thể bao gồm đường băng dài 1,6 km, đủ sức làm bệ phóng cho các máy bay chiến đấu, chẳng hạn như J-11 với tầm hoạt động 3.600 km. Ông Golez cảnh báo nếu căn cứ trên hoàn tất, các chiến đấu cơ Trung Quốc có thể đặt toàn bộ Philippines, Việt Nam và một phần Malaysia vào tầm ngắm. Ông kêu gọi các nước nhanh chóng bắt tay cùng chống lại kế hoạch dựng đảo khống chế khu vực của Trung Quốc.

"Việt Nam không dễ bị Trung Quốc bắt nạt"

Ngày 9-6, tờ Boston Globe trong mục Thư gửi toà soạn đã đăng bức thư của độc giả Steven Zalcman (ở Las Vegas, bang Nevada, Mỹ) tán đồng với bài báo đã đăng trước đó có tiêu đề "Việt Nam không dễ bị Trung Quốc bắt nạt", của H.D.S. Greenway - cựu biên tập viên mục bình luận.

Độc giả Zalcman khen ngợi bài báo của nhà báo Greenway có tính chính xác về lịch sử hàng thế kỷ nỗ lực không thành của Trung Quốc trong việc thôn tính và đồng hóa Việt Nam, tuy nhiên ông Zalcman bổ sung chi tiết của bài báo nói rằng "Trung Quốc cai trị Việt Nam gần 1.000 năm".

Theo ông Zalcman, cuộc kháng cự của người Việt Nam trước sự chiếm đóng của phong kiến Trung Hoa là không bao giờ ngừng nghỉ, và có nhiều cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Trung Hoa xảy ra trong thời gian gần 1.000 năm này.

Từ ngàn đời nay, người Việt Nam luôn có ý chí kiên cường, không chịu khuất phục
trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào

Đáng chú ý nhất là triều đại Tiền Lý (Lý Nam Đế, tức Lý Bí) đã giành độc lập trước phong kiến phương Bắc từ năm 544 - 602. Ngoài ra còn có rất nhiều cuộc nổi dậy khác chống xâm lược phương Bắc trong thiên niên kỷ này. Và như một nhà sử học đã ghi nhận: "Trung Quốc chiếm đóng nhưng không bao giờ khuất phục được người Việt Nam”.

Ông Greenway còn cho rằng Việt Nam đã và đang là người bảo vệ tốt nhất sự tự do của Đông Nam Á khỏi sự thống trị của Trung Quốc là hoàn toàn chính xác, và điều này tạo nên một trong ba lý do chính mà chính phủ Mỹ cần phải thay đổi vị trí trung lập của mình để trở thành nguồn hỗ trợ cho Việt Nam trong việc bảo vệ tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ.

"Việt Nam có bằng chứng thuyết phục từ các nguồn khách quan bên ngoài rằng cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là phần lịch sử của Việt Nam", ông Zalcman nhấn mạnh.

"Nhân dân Việt Nam phần lớn đều ủng hộ Mỹ, và một đất nước có tỉ lệ dân số biết chữ cao sẽ được hưởng lợi và đóng góp đáng kể cho một liên minh chính trị và kinh tế được củng cố giữa hai nước", theo tác giả lá thư gửi toà soạn Boston Globe.