Trung đoàn bay của những người anh hùng

(ANTĐ) -Nổi tiếng cả trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong thời đại hòa bình của đất nước, tên tuổi Trung đoàn Không quân Sao đỏ (Trung đoàn 921) là niềm tự hào của Không quân Việt Nam. Thần thái của một Trung đoàn huyền thoại thể hiện trong truyền thống vẻ vang của đơn vị, trong tác phong công tác của từng chiến sĩ.

Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944/22-12-2008):

Trung đoàn bay của những người anh hùng

(ANTĐ) -Nổi tiếng cả trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong thời đại hòa bình của đất nước, tên tuổi Trung đoàn Không quân Sao đỏ (Trung đoàn 921) là niềm tự hào của Không quân Việt Nam. Thần thái của một Trung đoàn huyền thoại thể hiện trong truyền thống vẻ vang của đơn vị, trong tác phong công tác của từng chiến sĩ.

Nụ cười chiến thắng

Điểm đặc biệt ấn tượng trong nhà truyền thống của Trung đoàn Không quân 921 là những nụ cười tươi rói trên những bức ảnh tư liệu đen trắng: Nụ cười hiền hậu của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Cốc, nụ cười sảng khoái của Anh hùng Phạm Tuân - những người có thành tích bắn rơi nhiều máy bay địch nhất Việt Nam... và nụ cười nhân ái, tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Trung đoàn ngày 9-11-1964. Trung tá Hồ Văn Lợi - Phó Chính ủy Trung đoàn tự hào giới thiệu: “Năm 1964, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn và căn dặn: Tổ tiên ta ngày xưa đã có chiến công trên sông, trên biển như: Bạch Đằng, Hàm Tử... trên bộ như: Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa... Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”. Thực hiện lời dạy ấy, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn dồn toàn tâm toàn lực cho nhiệm vụ luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Nụ cười chiến thắng của “bộ tứ” Lan, Túc, Kỳ, Phương sau chiến thắng đầu tiên.
Nụ cười chiến thắng của “bộ tứ” Lan, Túc, Kỳ, Phương sau chiến thắng đầu tiên.

Ngay trong trận đánh đầu tiên của Trung đoàn ngày 3-4-1965, Biên đội MIG 17 đầu tiên của “bộ tứ”: Lan, Túc, Quỳ, Phương (Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương) đã bắn rơi 2 chiếc máy bay F8 của Không quân Hải quân Mỹ trên vùng trời Đò Lèn - Thanh Hóa. Ngày 3-4-1965 đã được ghi vào trang sử vàng truyền thống của Trung đoàn và trở thành ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang của đơn vị, cán bộ chiến sĩ liên tiếp lập chiến công trong những trận đánh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đáng nhớ nhất là trận đánh làm nên lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972. Ngày 27-12-1972, Anh hùng Phạm Tuân đã lập chiến công vang dội khi bắn rơi 1 máy bay B52 của Mỹ tại trận Hàm Rồng - Thanh Hóa.

Trung tá Hồ Văn Lợi xúc động kể: “B52 của Mỹ là máy bay hiện đại, chứa rất nhiều bom để rải thảm xuống đồng quê, làng mạc... nước ta. Bắn rơi chiếc máy bay này là chiến công lớn. Xúc động hơn, cũng trong trận đánh này, anh Vũ Quang Thiều, người bắn rơi chiếc B52 thứ 2 đã hy sinh. Khoảng cách giữa máy bay của anh Thiều và máy bay địch quá gần nhưng anh vẫn quyết định phóng tên lửa tiêu diệt địch, mặc dù biết sẽ rất nguy hiểm...”. Chiến công hun đúc lên lòng sục sôi chiến thắng và ý định ấy đã thành hiện thực khi kế hoạch tấn công nước ta bằng vũ khí hiện đại, bằng không quân của Mỹ cuối năm 1972 hoàn toàn thất bại.

Lịch sử Trung đoàn còn lưu giữ tên tuổi của 14 vị anh hùng đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, 33 liệt sỹ dũng cảm hy sinh để bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Đặc biệt hơn, những anh hùng này đều đạt được thành tích hiếm có: Anh hùng Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc máy bay địch (người bắn rơi nhiều máy bay địch nhất Việt Nam), Anh hùng Phạm Tuân bắn rơi 8 máy bay địch... Cả trung đoàn tiêu diệt 137 máy bay chiến đấu hiện đại của kẻ thù để mang lại màu xanh bình yên cho bầu trời đất Việt.

Kỷ niệm những chuyến bay

Hiện vật còn lưu giữ.
Hiện vật còn lưu giữ.

Đại úy Nguyễn Thế Huỳnh tâm sự: “Trước giờ bay, chúng tôi phải đảm bảo tuyệt đối ngủ đủ 12 tiếng, tuân thủ nghiêm ngặt bữa ăn do bộ phận hậu cần của Trung đoàn chuẩn bị để đảm bảo sức khỏe, tuyệt đối không có cồn trong máu và không làm việc nặng. Nhiều khi để đảm bảo an toàn cho những chuyến bay, sinh hoạt của chúng tôi có phần khắt khe hơn so với chiến sĩ không trực tiếp bay khác”.

Chuẩn bị kỹ là thế nhưng dường như phi công nào cũng gặp những trở ngại trong những chuyến tập luyện trên không. Trung tá Hồ Văn Lợi trò chuyện: “Hơn 60 giờ bay khổ luyện cùng thầy giáo, chúng tôi mới được điều khiển máy bay một mình. Bay đêm khó hơn bay ngày và bay vào “mùa đơn giản” (từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm) dễ hơn bay vào “mùa phức tạp” (từ tháng 11 đến tháng 2). Bay vào mùa đơn giản chủ yếu dựa vào quan sát bằng mắt, còn bay vào ban đêm, vào mùa phức tạp phải dựa vào đồng hồ dẫn đường trên máy bay. Nếu đồng hồ hỏng, phi công sẽ gặp rất nhiều khó khăn”. Với mỗi tình huống như vậy, nếu phi công không có tâm lý vững vàng sẽ rất nguy hiểm. Trung tá Lợi cho biết thêm: “Kết thúc mỗi chuyến bay, mồ hôi túa ra như tắm vì khoang lái rất nóng và tinh thần căng thẳng.

Hạ cánh xuống mặt đất, những trở ngại trên bầu trời trở thành kỷ niệm và kinh nghiệm xương máu. Trong ký ức chuyến bay của những chiến sĩ bộ đội không quân chúng tôi tiếp xúc, chuyến bay đầu tiên bao giờ cũng để lại ấn tượng khó phai mờ nhất. Một chút lo lắng, một chút căng thẳng và một niềm tự hào khôn xiết vì mình đã trưởng thành. Cũng trong những chuyến bay ấy, giữa bốn bề là mây trắng bồng bềnh, một phút lơ đễnh để lãng mạn nhớ đến người yêu. Trung tá Hồ Văn Lợi chia sẻ: “Giữa bốn bề mây trắng, thấy mình nhẹ tênh, bồng bềnh như trong tiên cảnh, lúc ấy tôi chỉ ao ước có người yêu ở bên để cùng tận hưởng. Nhưng thú thực mỗi chuyến bay chỉ có năm bảy giây cho cảm xúc lãng mạn. Chúng tôi nhanh chóng trở về hiện thực để điều khiển chiếc máy bay cho an toàn”.

Những ngày này, Trung đoàn 921 hào hứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc phòng toàn dân và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt. Trên sân thi đấu bóng chuyền, khu vực luyện tập văn nghệ đều tíu tít tiếng nói cười. Niềm vui hân hoan hiện rõ trên gương mặt mỗi người chiến sỹ.

Thanh Hoàn