Trùm buôn lậu cổ vật người Mỹ bị kết án 10 năm tù ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tuần qua, một tay buôn đồ cổ người Mỹ bị cáo buộc điều hành một mạng lưới buôn lậu trị giá hàng triệu đô la thông qua phòng trưng bày ở New York đã bị tòa án Ấn Độ tuyên án 10 năm tù giam vì tội buôn lậu.
Trùm buôn lậu đồ cổ người Mỹ Subhash Kapoor đang bị giam giữ ở Ấn Độ

Trùm buôn lậu đồ cổ người Mỹ Subhash Kapoor đang bị giam giữ ở Ấn Độ

Bị cáo Subhash Kapoor cùng với 5 đồng phạm bị kết án về các tội danh bao gồm âm mưu tội phạm, trộm cắp và xuất khẩu bất hợp pháp 19 hiện vật trị giá hơn 940 triệu rupee (11,4 triệu USD). Phán quyết được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm đối với Kapoor, trùm buôn lậu hàng nghìn kho báu bị lấy trộm từ các đền thờ, tàn tích và các địa điểm khảo cổ trên khắp châu Á. Mạng lưới của đại lý người Mỹ gốc Ấn này được cho là đã làm giả tài liệu xác thực của các hiện vật cổ trước khi bán chúng thông qua phòng trưng bày của ông ta ở Manhattan có tên “Nghệ thuật của quá khứ”.

Sau khi bị bắt ở Đức vào năm 2011, Kapoor phải đối mặt với các cáo buộc ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ, nơi phiên tòa bắt đầu vào năm ngoái. Mặc dù bị cáo đã phải ngồi tù 11 năm, nhưng ông ta sẽ không được thả tự do sau khi tuyên án, vì người này cũng đã bị truy tố ở Mỹ về các tội danh bao gồm ăn cắp vặt, âm mưu lừa đảo và sở hữu tài sản bị đánh cắp.

Trong chiến dịch mang tên “Thần tượng ẩn giấu”, đơn vị buôn bán cổ vật của cơ quan công tố quận Manhattan - một nhóm gồm các luật sư, nhà điều tra và chuyên gia nghệ thuật - đã thu giữ hơn 2.500 hiện vật bị cướp, trị giá khoảng 143 triệu USD, có liên quan đến Kapoor. Ngoài 19 mặt hàng mà ông ta hiện đã bị kết tội buôn lậu, tay buôn đổ cổ này cũng bị cáo buộc xử lý hàng nghìn mặt hàng khác từ các quốc gia bao gồm Nepal, Campuchia, Pakistan và Afghanistan.

Trong một tuyên bố gửi qua email, người phát ngôn của Công tố quận Manhattan, Alvin Bragg cho biết, văn phòng Công tố quận đang liên hệ với Bộ Tư pháp Mỹ và các nhà chức trách Ấn Độ về vụ việc. Người phát ngôn nói thêm: “Vào năm 2020, văn phòng đã nộp thủ tục giấy tờ dẫn độ cho Kapoor và chúng tôi dự định truy tố ông ta tại Mỹ theo cuộc điều tra đang diễn ra”.

Ông Georges Lederman - luật sư của Kapoor có trụ sở tại New York cho biết, thân chủ của mình có ý định phản đối các cáo buộc của Mỹ với lý do “nguy hiểm kép”, vì “hành vi cơ bản mà ông ta đang bị buộc tội ở New York cũng giống như tội mà ông ta đã thi hành án ở Ấn Độ”.

Một số tổ chức, chủ yếu ở Mỹ đã cho hồi hương hàng trăm món đồ bị đánh cắp thuộc đường dây của Kapoor. Chỉ trong tháng trước, văn phòng của ông Alvin Bragg đã giao cho Ấn Độ 235 món đồ liên quan đến nhân vật này, bao gồm một cổng vòm bằng đá cẩm thạch được chạm khắc công phu từng nằm trong bộ sưu tập của Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale.

Năm 2016, tại một buổi lễ ở Washington, D.C. với sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, các quan chức Mỹ đã trao lại cho Ấn Độ hơn 200 hiện vật bị thu giữ từ một lô hàng do Kapoor nhập khẩu. Bộ sưu tập, bao gồm các bức tượng tôn giáo và các tác phẩm bằng đồng và đất nung ước tính trị giá hơn 100 triệu USD vào thời điểm đó.

Phòng trưng bày Nghệ thuật Nam Australia ở Adelaide và Phòng trưng bày quốc gia của Australia ở Canberra cũng đã trả lại các vật phẩm thu được từ phòng trưng bày của Kapoor trong một số trường hợp. Năm 2014, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã đích thân trao 2 bức tượng có niên đại 900 tuổi sau khi Ấn Độ trực tiếp đưa ra lời kêu gọi hồi hương những món đồ cổ vật có một không hai này.