Thủ đoạn tinh vi của đường buôn lậu cổ vật xuyên quốc gia vừa bị Cảnh sát Italia triệt phá

ANTD.VN - Cảnh sát Italia vừa triệt phá một đường dây buôn lậu cổ vật Hy Lạp xuyên quốc gia sau các cuộc đột kích ở London, Pháp, Serbia và Đức. 80 nghi phạm đang bị điều tra ở châu Âu, trong đó 23 đối tượng đã bị bắt giữ ở Calabria, Milan và các thành phố khác của Italia.

Italia vừa thu hồi được hàng nghìn món cổ vật bị đánh cắp trị giá hàng triệu Euro

Các nghi phạm được cho là tham gia vào một đường dây bí mật chuyên khai quật các cổ vật khảo cổ Hy Lạp từ miền Nam Italia để bán trên khắp thế giới, cầm đầu là hai người sống ở tỉnh Crotone, vùng Calabria, Italia.

Dùng máy xúc khai quật cổ vật

Khoảng 10.000 cổ vật như bình cổ, đồ trang sức, tượng cổ… đã được đơn vị phòng chống tội phạm về văn hóa của lực lượng hiến binh quốc gia Carabinieri thu giữ, trong đó một số có niên đại từ thế kỷ thứ 3-4 trước Công nguyên. Lực lượng điều tra đã được cảnh sát các quốc gia châu Âu khác có liên quan hỗ trợ tìm kiếm và bắt giữ đồng thời thông qua Lệnh điều tra châu Âu Eurojust.

Trong một cuộc họp báo ở Crotone, lực lượng chức năng cho biết, cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 5-2017, đến nay đã thu hồi được các cổ vật trị giá lên tới vài triệu euro. Các điều tra viên đã sử dụng biện pháp nghe lén và camera giám sát, thậm chí cả thiết bị bay không người lái để thu thập bằng chứng về việc các kho báu nghệ thuật được tìm thấy và bán ra nước ngoài như thế nào.

Trong năm ngoái, 8.405 tác phẩm đã bị mất tích ở Italia, bao gồm các cổ vật, vũ khí cổ đại và văn bản thời trung cổ. Tượng và tranh thường bị lấy đi từ các nhà thờ, vốn thường không có hệ thống an ninh bảo đảm. Cho dù lực lượng an ninh bảo vệ di sản lập kỷ lục thu hồi hơn 3 triệu tạo tác nghệ thuật và khảo cổ học, hơn 1 triệu tác phẩm nghệ thuật ở nước này vẫn đang mất tích.

Vùng Calabria là nơi đặc biệt giàu di sản cổ đại, nên trở thành đối tượng dễ bị những kẻ trộm cổ vật cướp phá và tuồn ra thị trường chợ đen. Trong đó, Crotone là thành phố bên bờ biển được người Hy Lạp cổ đại lập nên vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Trong nhiều thế kỷ, các cuộc khai quật bất hợp pháp đã diễn ra tại nhiều địa điểm khảo cổ nổi tiếng ở Calabria, kể cả không xa ngôi đền Hera Lacinia nổi tiếng. 

Trong khi các nhà khảo cổ học thường phải rất tỉ mỉ đào bới bằng tay hoặc dụng cụ cầm tay để tránh làm hỏng cổ vật, băng đảng buôn lậu này lại dùng cả máy xúc để đào cổ vật.

Qua theo dõi, lực lượng an ninh Italia nhận thấy, đường dây tội phạm này sử dụng máy ủi đào những hố sâu vài mét ở các khu vực thuộc tỉnh Crotone và Catanzaro. Bọn trộm sau đó sử dụng máy dò kim loại tinh vi để lùng sục khu vực này.

Những kẻ đào trộm che mặt họ bằng mặt nạ trượt tuyết để tránh bị nhận ra trên camera giám sát video, nhưng các nhà điều tra đã lần theo dấu vết của các nghi phạm sau khi nhận thấy biển đăng ký trên một chiếc xe đỗ gần đó. Cảnh sát chống tội phạm về nghệ thuật Italia đã khám xét các ngôi nhà và căn hộ ở 4 quốc gia, bao gồm cả Anh, đồng thời bắt giữ 23 người với tội danh buôn bán cổ vật.

Nguồn tiêu thụ là các nhà đấu giá quốc tế 

Đường dây có trụ sở ở Calabria này đã liên lạc với một người Italia ở thành phố miền Trung Perugia sau khi đào được cổ vật. Cá nhân này sau đó sử dụng các mối quan hệ của mình trong giới đấu giá châu Âu để thâm nhập vào thị trường bất hợp pháp. Đại úy Bartolo Taglietti, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật ở Cosenza, Calabria cho hay, nhiều cổ vật đã được gửi đến các nhà đấu giá ở London, Munich, Đức và các thành phố Bắc Âu khác và bán với giá rất cao. 

Ông Dario Franceschini, Bộ trưởng Văn hóa Italia cho biết, cuộc điều tra được Cảnh sát London, cảnh sát hình sự của bang Baden-Wurmern (Đức), thành phố Dijon của Pháp và Vrsac ở Serbia hỗ trợ. Kết quả của chiến dịch này là thu giữ được hàng nghìn cổ vật bị lấy đi bất hợp pháp từ các công trình khảo cổ ở Calabria. 

Bộ Tư lệnh Bảo vệ di sản văn hóa Italia đi vào hoạt động từ năm 1969 chuyên về các bảo vệ di sản văn hóa Italia. Trong 50 năm qua, lực lượng đặc biệt này đã lần theo dấu vết của những bức tranh và các bức tượng bị đánh cắp ở đất nước có số vụ trộm tác phẩm nghệ thuật nhiều nhất trên thế giới.