Trực tiếp làm nhiệm vụ mới thấy hiểm nguy

ANTĐ - CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ trong các tổ công tác liên quân 141 CATP Hà Nội đều đồng tình và mong muốn Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ sớm được thông qua, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm.

Trực tiếp làm nhiệm vụ mới thấy hiểm nguy ảnh 1
Biện pháp mạnh là cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả trấn áp tội phạm

Khi được hỏi quan điểm về quyền được phép nổ súng như trong Dự thảo Nghị định quy định, hầu hết CBCS liên quân 141 đều đồng tình và mong muốn Dự thảo Nghị định sớm được thông qua, tăng tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ an toàn cho người dân, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm.

Chống đối gia tăng, ngày càng manh động

Dù sự việc xảy ra đã hơn 1 năm nhưng đến giờ, mỗi khi trái gió trở trời, vùng ngực của Trung tá Nguyễn Đức Chung – Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt vẫn đau ê ẩm. Đây là hậu quả của cú đâm trực diện bằng xe máy do đối tượng Vũ Lê Hoàng (SN 1983) ở Đức Thọ, Hà Tĩnh gây ra. Khi đó, phát hiện Hoàng điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, tổ công tác Y1/141 đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nhưng đối tượng vẫn điên cuồng bỏ chạy. Đứng ở vị trí cuối cùng, lúc này Trung tá Nguyễn Đức Chung ra hiệu lệnh yêu cầu Hoàng dừng xe. Với thái độ coi thường pháp luật, tính mạng của người thực thi công vụ, Hoàng tăng ga, lao thẳng xe vào người Trung tá Nguyễn Đức Chung, làm anh bị hất lên cao, ngã xuống đất bất tỉnh. Riêng đối tượng Hoàng sau khi gây án đã tìm cách bỏ trốn nhưng bị người dân và tổ công tác bắt giữ.

Không riêng Trung tá Nguyễn Đức Chung, rất nhiều CBCS trong liên quân 141 cũng từng bị chống đối ở nhiều mức độ khác nhau. CBCS trước giờ lên đường làm nhiệm vụ đều thấm nhuần ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo 141 và tự nhắc nhở nhau phải tuyệt đối giữ an toàn cho bản thân và nhất là người dân trên đường. Tuy nhiên, nhiều khi sự việc diễn ra quá nhanh, đối tượng phạm tội lại có vũ khí, hết sức manh động. Chúng không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của người thi hành công vụ mà sẵn sàng bỏ chạy, dùng vũ khí hành hung, hay gây nguy hiểm cho người dân để trốn thoát. “Trong những trường hợp đặc biệt nguy hiểm như trên, chúng ta cần phải có biện pháp trấn áp mạnh, việc nổ súng là cần thiết” – Trung tá Nguyễn Đức Chung đánh giá.

Bên cạnh những thanh thiếu niên càn quấy, coi thường pháp luật, tổ công tác 141 còn phải đối mặt với những nguy hiểm từ các đối tượng phạm tội khác. “Hầu hết các đối tượng trên đều mang trong người vũ khí nóng. Nếu không bị 141 phát hiện, bắt giữ, không biết bao nhiêu người sẽ bị thiệt mạng vì những băng đạn AK, lựu đạn, súng hoa cải… này” - Thiếu tá Trần Quang Vinh – chỉ huy tổ công tác Y1/141 nhận định. Bản thân Thiếu tá Vinh và CBCS trong tổ công tác của mình cũng không nhớ hết đã bị chống đối bao nhiêu lần. Nhẹ thì đối tượng bỏ phương tiện ở lại bất hợp tác, nặng hơn là lăng mạ, gọi thêm “đàn em” mang vũ khí đến để giải vây. Có trường hợp còn sẵn sàng dùng vũ khí, dao kiếm chống lại tổ công tác, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân hòng chạy thoát như Phạm Văn Vượng (SN 1981, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang), đã từng bị xử 6 năm tù vào năm 2005 do điều khiển xe ô tô gây tai nạn chết người. “Thời điểm đó Vượng điều khiển xe máy SH không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao. Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, Vượng vứt xe máy lại giữa đường, bỏ chạy vào một nhà hàng gần đó, vớ lấy con dao lao vào tấn công tổ công tác. Trước tình huống nguy hiểm này, tổ công tác buộc phải dùng súng khống chế, bắt giữ. Kiểm tra trong người Vượng, tổ công tác thu giữ được ma túy và dụng cụ dùng để “chơi đá” – Thiếu tá Vinh nhớ lại.

Đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật

Trao đổi với PV, chỉ huy Phòng CSGT cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, bên cạnh hàng nghìn tang vật, vũ khí, dao kiếm bị “141” thu giữ, hàng chục trường hợp CBCS cũng đã bị đối tượng dùng vũ khí chống đối với tính chất manh động, đặc biệt nghiêm trọng. Đầu tháng 4 vừa qua, Lê Đình Tú (SN 1990), trú tại tổ 18 phường Đồng Mai, Hà Đông) và Lê Quang Chiến (SN 1987), ở tổ 13 phường Đồng Mai trên đường đi mua ma túy về qua ngã ba Ba La, Hà Đông bị “141” phát hiện đã quay đầu xe bỏ chạy. Một tên bị ngã xuống đường còn hung hãn nhảy lên cướp xe của một người dân để bỏ trốn. Tuy nhiên, sau 20 phút bao vây truy đuổi, tổ công tác đã bắt được cả 2 tên. 

Còn Trung tá Nguyễn Mạnh Dầu – Đội phó Đội CSGT số 14, chỉ huy tổ công tác Y9/141 đánh giá: “Trong những trường hợp như trên người thực thi công vụ phải được phép nổ súng ngăn chặn không để đối tượng đe dọa tính mạng của người thi hành công vụ và người dân”. Lấy dẫn chứng từ vụ bắt giữ 2 đối tượng mang cả bao tải súng đạn AK, lựu đạn… bị tổ công tác phát hiện, bắt giữ, Trung tá Dầu cho hay: “Khi thấy dấu hiệu khả nghi, CBCS ập vào khống chế, kiểm tra ngay. Nếu chậm vài giây, đối tượng rút súng ra thì không biết hậu quả sẽ như thế nào và trong trường hợp đó, CBCS bắt buộc phải nổ súng để đảm bảo an toàn cho người dân và bản thân”. 

Từ thực tế nhiệm vụ, khi được hỏi về quan điểm được phép nổ súng trong Dự thảo, Thiếu tá Trần Quang Vinh cho biết, nếu phát hiện đối tượng vi phạm mang hàng cấm, buôn bán ma túy, công cụ hỗ trợ, vũ khí… có biểu hiện, hành vi chống đối gây nguy hiểm đến tính mạng cho người dân, CBCS, cần cho phép lực lượng làm nhiệm vụ được phép nổ súng để khống chế, trấn áp tức thời. Đồng quan điểm với Thiếu tá Vinh, chỉ huy các tổ công tác 141 khác cũng kiến nghị, bên cạnh việc cho phép nổ súng đối với từng trường hợp cụ thể, Bộ Công an cũng nên quy định chung một loại giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thay cho mỗi loại công cụ hỗ trợ lại có một loại giấy phép như hiện nay.

“Bản thân mỗi CBCS khi thực thi nhiệm vụ đều nhận thức, nắm vững những trường hợp nào mới được phép nổ súng. Chính vì vậy việc buộc phải nổ súng chỉ là biện pháp cuối cùng trong hàng loạt biện pháp xử lý đã được áp dụng trước đó” – Thiếu tá Vinh bày tỏ. Trung tá Nguyễn Mạnh Dầu cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng cũng là do chưa có quy định của pháp luật một cách đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý. Nếu Dự thảo Nghị định được thông qua cùng với những quy định cụ thể về từng trường hợp buộc phải nổ súng, chắc chắn các đối tượng tội phạm sẽ không dám manh động gây án; tăng tính trấn áp, răn đe và bảo vệ an toàn cho người dân, người thực thi nhiệm vụ.