Trong ký ức của nhân dân luôn có trái tim đỏ với tấm lòng nhân ái của chiến sỹ Cảnh sát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng CSND của CATP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh,  người chiến sỹ CSND phải nắm vững công nghệ, thượng tôn pháp luật và có văn hóa.

Một trong những nội dung quan trọng, hết sức lôi cuốn và tạo nhiều cảm xúc đối với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND của CATP Hà Nội tổ chức ngày 14-7, chính là phần giao lưu, trò chuyện của các vị khách mời trong và ngoài lực lượng CAND.

Lực lượng CSND có một trái tim lớn – giàu lòng nhân ái

Một trong những vị khách đặc biệt của Lễ kỷ niệm hôm nay, là Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Giao lưu với các vị khách mời và các đại biểu, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ thật giản dị, ông gắn bó và trưởng thành từ người chiến sỹ Công an Thủ đô.

Trong 33 năm công tác lực lượng CAND, hầu hết thời gian Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc gắn bó với Công an Thủ đô. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhìn nhận, quá trình phát triển của lực lượng Cảnh sát Công an Thủ đô được chia làm 4 giai đoạn.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an giao lưu tại chương trình

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an giao lưu tại chương trình

Giai đoạn trước 1990 là tội phạm thời kỳ bao cấp liên quan tem phiếu, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; giai đoạn từ năm 1990 đến những năm 2000 xuất hiện tội phạm có tổ chức, "xã hội đen", ma túy diễn biến phức tạp; từ năm 2000 đến 2010 xuất hiện tội phạm lợi dụng chức vụ quyền hạn, tội phạm kinh tế; từ 2011 đến 2020 có đặc trưng là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trên không gian mạng; các hình thái tội phạm liên kết giữa kinh tế, hình sự, ma túy rất đặc trưng. Từ 2020 đến nay, xuất hiện một loại tội phạm lợi dụng thiên tai dịch bệnh, đặc trưng nhất là dịch Covid-19.

Trải qua các giai đoạn khác nhau, lực lượng Công an Thủ đô nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng đều có nhận diện, sáng tạo, bản lĩnh, chiến đấu đến cùng với các loại tội phạm. Trong công tác nghiệp vụ cơ bản, lực lượng Cảnh sát Công an Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm, luôn là đơn vị đi đầu, xuyên suốt nên khi tiếp cận tội phạm mới như hiện nay là tội phạm trên không gian mạng luôn có nhận diện rất sớm và dù là mạng ảo nhưng đều nhìn rõ, con người cụ thể, đối tượng cụ thể, không bị bất ngờ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ tình cảm của ông với lực lượng Cảnh sát Công an Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ tình cảm của ông với lực lượng Cảnh sát Công an Hà Nội

Chia sẻ với lực lượng Công an Thủ đô, nơi gắn bó nhiều nhất chặng đường binh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, trong tình hình hiện nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân phải đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản là thượng tôn pháp luật gắn liền với công tác nghiệp vụ; có văn hóa và nắm chắc công nghệ.

Đồng quan điểm với Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc về 3 nguyên tắc cơ bản ấy, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, trong phần giao lưu khách mời tại Lễ kỷ niệm đã kể lại câu chuyện cách đây 38 năm tại Đồn Công an Cửa Nam, nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ “Đứa trẻ lạc”.

“Đồn Công an đêm nay dồn điện thoại

Các chiến sỹ Công an khắp ngả gọi về

Đứa trẻ lạc bỗng có bao bố mẹ

Đồn Công an không ngủ thức tìm con”

(Trích bài thơ Đứa trẻ lạc)

Hôm ấy, nhà văn đi đón bạn tại ga Hàng Cỏ. Lúc đó đã là nửa đêm, trên sân ga có một người mẹ lạc con và chính ông đã đưa người phụ nữ đến Đồn Công an Cửa Nam để trình báo. Đồn Công an đã tập hợp tất cả lực lượng đi tìm đứa trẻ trong cả đêm và cháu bé đã được tìm thấy vào lúc 2h sáng.

“Câu chuyện đơn giản như vậy thôi nhưng ẩn sâu trong đó là một trái tim lớn. Trong suốt chương trình kỷ niệm hôm nay, trong một thời lượng rất ngắn, nhưng quan trọng nhất đã vang lên một trái tim đỏ, giàu lòng nhân ái. Bởi nếu không có trái tim đỏ với tấm lòng nhân ái, người chiến sỹ cảnh sát đã không làm ra những điều khiến người dân phải khóc, phải ghi nhớ, phải mang theo trong ký ức của mình” – Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động.

Gửi gắm lời chúc đến người chiến sỹ CSND, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn hóa góp phần tạo dựng nên một trái tim nhân bản của người Công an; nếu không có trái tim nhân ái của người chiến sỹ Công an, sự hy sinh thầm lặng, những vũ khí đều trở nên vô nghĩa.

“Xin thay mặt các nhà văn Việt Nam, các văn nghệ sỹ xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các chiến sỹ Công an đã hy sinh cho con người và cho dân tộc này. Những điều chúng tôi biết chỉ là một phần nghìn những điều các chiến sỹ Công an đã làm trong suốt 60 năm qua. Ở họ, mang một trái tim lớn; chính trái tim lớn đó cuộc sống của nhân dân mới bình yên. Chúng tôi sống trong sự bình yên mà đôi khi chúng tôi không biết rằng đằng sau lưng chúng tôi là sự hy sinh sự vất vả, thậm chí cả tính mạng của mình. Xin bày tỏ lòng biết ơn đến các đồng chí trong một ngày đặc biệt này và chúng tôi biết rằng, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục bình yên, mãi mãi bình yên bởi có những con người luôn có trái tim nhân ái, lớn lao như vậy” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động.

Trọng danh dự, thầm lặng hy sinh cống hiến vì bình yên Thủ đô

Mạch cảm xúc chân thực tiếp nối qua những ký ức, câu chuyện của các vị khách mời trân quý: Đại tá Nguyễn Đức Bình, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự; Trung tá Trương Thị Liễu, Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì; nghệ sỹ Nguyễn Viết Thành - người có con trai được Cảnh sát PCCC&CNCH cứu trong vụ hỏa hoạn ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình hồi năm 2019...đã phác họa bức tranh toàn cảnh của người chiến sỹ Cảnh sát Công an Thủ đô trong cuộc chiến đấu chống các loại tội phạm và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đại tá Nguyễn Đức Bình, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội chia sẻ những kỷ niệm đẹp về "nghề" Công an

Đại tá Nguyễn Đức Bình, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội chia sẻ những kỷ niệm đẹp về "nghề" Công an

Là người lính hình sự, Đại tá Nguyễn Đức Bình tâm sự, ngoài những phẩm chất chung của người chiến sỹ CAND, CSHS có 3 đức tính rất đáng quý, đáng trân trọng. Thứ nhất là tính xả thân, dấn thân, sẵn sàng đi vào chỗ hiểm nguy, chỗ phức tạp, nóng bỏng nhất. Thứ hai là tính khiêm tốn, nói ít, làm nhiều, chiến công thành tích không nhận về mình. Thứ ba là trọng danh dự, tính đồng đội, trong bất cứ hoàn cảnh nào không làm hoen rỉ hình ảnh người CSHS. “Tôi mong các đồng chí, những người anh em hãy trân trọng, giữ gìn và phát huy cho được mấy từ QUÂN CÓ SỐ - Số có nghĩa là số 7. Quân có số tức là quân số 7 Thiền Quang, đội quân danh dự, có kỷ luật, trí tuệ, nghe tên khiến tội phạm khiếp sợ, người dân tin yêu” – Đại tá Nguyễn Đức Bình bày tỏ.

Trung tá Trương Thị Liễu chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của người cán bộ công an chính quy về xã

Trung tá Trương Thị Liễu chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của người cán bộ công an chính quy về xã

Còn với Trung tá Trương Thị Liễu, một nữ Phó công an xã của huyện ven đô, chị chia sẻ khó khăn, những kỷ niệm không thể nào quên trong công tác dân vận của chính đơn vị chị trong những ngày đầu lực lượng Công an chính quy về xã. Vài ba năm đã trôi qua, kể từ khi chị nhận được cái... lắc đầu từ chối khi đến thu thập dữ liệu dân cư và giờ đây, chị và đồng đội đã trở thành người thân ruột thịt của người dân xã Thanh Liệt.

“Không thể nào quên ngày đi chống dịch, tôi không thể về thắp nén hương vào ngày giỗ mẹ; hay một bó hoa cỏ dại người dân hái ven đường tặng chúng tôi nhân ngày quốc tế Phụ nữ. Tất cả đã trở thành những kỷ niệm trên hành trình của lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã” – Trung tá Trương Thị Liễu chia sẻ.

Trong chương trình giao lưu, một tiết mục múa kết hợp tái hiện hình ảnh vụ hỏa hoạn trên phố Núi Trúc 3 năm trước. Vũ Ngọc Hoàng, chiến sỹ Đội Cảnh sát PCCC CAQ Đống Đa khi biết tin có người mắc kẹt trong căn nhà 5 tầng dù không có đồ bảo hộ trên người, đã lao lên tìm kiếm và cùng đồng đội của mình nhường bình thở, cứu được nam thanh niên 17 tuổi Nguyễn Hoàng Giang.

Nghệ sỹ Nguyễn Viết Thành, người cha có con trai được Cảnh sát PCCC CAQ Đống Đa cứu sống bày tỏ sự thán phục với lực lượng Cảnh sát nhân dân

Nghệ sỹ Nguyễn Viết Thành, người cha có con trai được Cảnh sát PCCC CAQ Đống Đa cứu sống bày tỏ sự thán phục với lực lượng Cảnh sát nhân dân

Cha của Giang – nghệ sỹ Nguyễn Viết Thành chính là tác giả của màn nhảy múa tái hiện diễn biến sinh tử ấy. "Đã 3 năm trôi qua, nhưng đến giờ tôi vẫn lạnh người khi xem lại những hình ảnh đám cháy. Giờ đây, con trai tôi là cháu Giang đã là một thanh niên trưởng thành...", nghệ sỹ Nguyễn Viết Thành xúc động nói.

Hành trình 60 năm lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Thủ đô được "nén" trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ, với rất nhiều điểm nhấn, những khúc tráng ca hay những bản hòa tấu nhẹ nhàng. Toát lên tất cả là tinh thần chiến đấu anh dũng, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng đối mặt, vượt qua những lằn ranh sinh tử, vì bình yên của nhân dân…