Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn:

Trọng dân, gần dân, tăng cường đối thoại với dân

ANTD.VN - Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, muốn giải quyết được các “điểm nóng” ngay từ cơ sở  thì các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt người đứng đầu phải luôn xác định việc đối thoại với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

LTS: Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô về một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn (hàng đầu, bên trái) lắng nghe người dân phản ánh tại bãi xử lý rác ở xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội

Đối thoại với dân trên tinh thần xây dựng

- PV: Với vị thế đặc biệt quan trọng về an ninh chính trị, đối ngoại, kinh tế - xã hội của cả nước, có quy mô dân số lớn, lại đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, địa bàn Hà Nội rất dễ phát sinh những điểm nóng hay các vụ việc có tác động lớn đến đời sống dân sinh. Vậy thành phố đã chỉ đạo như thế nào để hạn chế những “điểm nóng”, giữ được môi trường bình yên phục vụ phát triển, thưa đồng chí?

- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn: Muốn hạn chế, không phát sinh “điểm nóng” thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề còn thắc mắc. 

Với tinh thần trọng dân, gần dân và vì nhân dân, Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16-12-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn. 

Đây là Quy chế rất quan trọng, giúp nhiệm vụ đối thoại với nhân dân được triển khai đồng bộ, toàn diện và thường xuyên. Quy chế cũng nhấn mạnh một trong những nguyên tắc chủ yếu khi tiếp xúc, đối thoại với dân là phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần xây dựng vì lợi ích của nhân dân. Cần phải lưu ý nữa là đối thoại với công dân rất quan trọng nhưng việc chuẩn bị nội dung đối thoại còn quan trọng hơn, bởi không nắm được tình hình, không hiểu rõ vấn đề và quy định pháp luật, không thể đối thoại với người dân.

Tiếp đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 về việc “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về ANCT, TTATXH trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Thông qua Nghị quyết này, thành phố yêu cầu các cấp ủy cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo; tập trung hướng về cơ sở.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Riêng đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân do cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì phải kiên quyết xử lý, thay thế. 

- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những kết quả nổi bật mà thành phố đã đạt được trong công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân trên địa bàn thời gian qua cũng như những tồn tại, vướng mắc cần giải quyết?

- Không chỉ chỉ đạo quyết liệt bằng việc ban hành các văn bản mà Thường trực Thành ủy Hà Nội còn đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian lãnh đạo, trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách; trực tiếp cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo đối với các điểm nóng, vụ việc phức tạp nổi cộm, giải quyết đơn thư. 

Tính đến đầu tháng 12-2017, tổng số đơn thư được Thường trực Thành ủy có ý kiến chỉ đạo giải quyết là 773 đơn. Trong đó, riêng đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp chỉ đạo 726 đơn. Hàng tháng, Thường trực HĐND TP cũng chủ trì họp tiếp công dân, giám sát kết quả xử lý, giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền thành phố. Lãnh đạo UBND TP cũng đã tổ chức trên 40 cuộc làm việc với các sở, ban, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài.

Đặc biệt, việc triển khai quán triệt Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo ra chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy về vai trò vị trí của tổ chức cơ sở Đảng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là những nơi đang triển khai các nhiệm vụ chính trị nặng nề hoặc có những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Qua đó, các cấp ủy đã thực sự coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, triển khai nhiều biện pháp nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở các địa bàn có vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, giám sát những nơi có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm để phòng ngừa; thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. 

Kết quả, đã đưa 82 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng phức tạp vào danh sách tập trung chỉ đạo giải quyết; đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 45 vụ; đưa ra khỏi danh sách 12 vụ. Nhiều vụ việc phức tạp kéo dài đã cơ bản được xem xét, giải quyết. Cũng trong năm 2017, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 13.102 lượt công dân. Thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 3.561 vụ khiếu nại tố cáo, đã giải quyết 2.869 vụ, đạt tỷ lệ 80,5%...

Dù vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, một số vụ việc đã được các cấp, các ngành giải quyết hết thẩm quyền, có lý, có tình nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại tố cáo. Mặt khác, một số người đứng đầu các cấp còn chưa chủ động, thường xuyên đối thoại với dân, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh tiếp dân... Đây là những thách thức đòi hỏi Thành ủy, UBND TP, các cấp, các ngành phải tập trung giải quyết, khắc phục.

Thành phố Hà Nội cần sự đồng thuận của người dân để cùng hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

- Dù thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt trong thời gian qua song dự báo tình hình ANCT-TTATXH, khiếu nại tố cáo trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là còn tới hơn 100 vụ việc phức tạp chưa được giải quyết. Là Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15 của Thành ủy, xin đồng chí cho biết phương hướng giải quyết của thành phố trong thời gian tới?

- Có thể nói, với sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, tập trung đối thoại với dân, với doanh nghiệp, giải quyết có hiệu quả những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, khiếu nại tố cáo kéo dài… đã góp phần ổn định tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn thành phố, là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 20 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội được giao trong năm 2017 vừa qua.  

Năm 2018, thành phố lựa chọn chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp”. Với tinh thần đó, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục tập trung để đưa Chỉ thị 15 và Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém đi vào chiều sâu.

Trong đó, tiếp tục tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền theo dõi, nắm bắt tình hình, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, công tác nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của dân ngay từ cơ sở phải được thực hiện tốt hơn, công tác đối thoại với dân để giải quyết các “điểm nóng” ngay từ cơ sở cũng phải được thực hiện chủ động hơn. 

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ xây dựng kế hoạch rà soát, tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo thấp; Tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại tố cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp, qua đó chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém; xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, có sai phạm… 

- Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội!