Trong cơn đại hồng thủy

ANTĐ - Thảm họa lũ lụt đang diễn ra ở Thái Lan đã vượt qua tất cả những gì người ta từng chứng kiến.

Đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua tại Thái Lan. Cho đến nay, trận đại hồng thủy này đã làm ít nhất 356 người bị thiệt mạng và trên 110.000 người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, 535 tuyến đường và 62/77 tỉnh, thành bị ngập lụt, gần 700.000 người tạm thời bị mất việc làm. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 3,3-5 tỷ USD, làm suy giảm 1% GDP và khiến hàng vạn lao động đứng trước nguy cơ mất việc.

Hôm 24-10, chính phủ Thái Lan thừa nhận không thể bảo đảm an toàn 100% cho phần còn lại của Thủ đô Bangkok, đồng thời cảnh báo trong 4-5 ngày tới, hàng tỷ mét khối nước từ thượng nguồn phía Bắc Thái Lan đổ về cộng với triều cường có thể sẽ đẩy Thủ đô Thái Lan vào vòng nguy hiểm mới. Giờ đây, không có nơi nào ở Thủ đô Bangkok là không bị đe dọa. 

Là nơi có sông Chao Praya chảy qua, Thủ đô Bangkok với khoảng 10 triệu dân chỉ cao hơn 2 mét so với mực nước biển. Địa hình này khiến cho hoạt động ngăn chặn lũ tràn vào thủ đô gặp khó khăn mặc dù chính phủ đang huy động các nguồn lực để hướng dòng nước lũ chảy về phía Tây và phía Đông thành phố. Người dân ở Thủ đô Bangkok được khuyến cáo đưa đồ đạc lên các vị trí cao và an toàn hơn, chuẩn bị đương đầu với lũ lụt có thể tràn khắp nội đô.

Trong nỗ lực kiểm soát tình hình, tránh nguy cơ hỗn loạn xã hội, Thủ tướng Thái Lan Y. Shinawatra đã quyết định ban bố sắc lệnh về thảm họa thiên tai nhằm có toàn quyền điều hành các nỗ lực ngăn chặn thảm họa cũng như các hoạt động cứu trợ thiên tai trên cả nước. Ngay sau khi sắc lệnh được tuyên bố, bà

Y. Yingluck đã lệnh cho Bộ Quốc phòng và Lục quân chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh các vị trí trọng yếu ở thủ đô, trong đó có Hoàng cung Grand Palace, các cung điện khác của Hoàng gia, Bệnh viện Siriraj nơi Nhà Vua đang dưỡng bệnh và đẩy nhanh việc lập các con chạch ngăn nước lũ tràn vào hai sân bay quốc tế là Suvarnabhumi và Don Mueang.

Cũng vì trận lũ lụt này mà người ta mới được chứng kiến cảnh bà Thủ tướng Y. Shinawatra xinh đẹp rơi lệ. Với đôi mắt ngấn lệ, bà nói với các phóng viên: “Hôm nay, tôi sẽ thẳng thắn nói với các bạn sự thật. Tôi đã làm mọi thứ có thể trong cuộc khủng hoảng này song không thể một mình giải quyết nó. Tôi cần sự hợp tác từ tất cả các bạn. Hãy gạt chính trị sang một bên. Chúng ta phải hợp tác để lấy lại tinh thần cho người dân”. Bà thúc giục các phe phái chính trị đối địch tại nước này cùng chung tay đối phó với trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Thái Lan P. Suraswadi, vẫn còn chừng 10 tỷ m3 nước chưa đổ hết ra biển đang đe dọa Thái Lan và Thủ đô Bangkok. Theo dự báo, Bangkok còn phải đối mặt với tình trạng thủy triều dâng cao. Từ ngày 26 đến 31-10, mực nước tại sông Chao Phraya sẽ lên mức 2,6 mét trong khi hệ thống đê tại khu vực này chỉ cao 2,5 mét, gây cản trở hoạt động bơm nước ra biển, khiến những khu vực gần bờ sông và ở vùng thấp sẽ bị ngập nặng. Trước mắt, hôm nay (26-10), khoảng 4 tỷ mét khối nước từ miền Bắc sẽ đổ dồn về Bangkok đúng thời điểm thủy triều dâng cao, điều này sẽ càng gây khó khăn cho hoạt động bảo vệ thủ đô khỏi nước lũ. Cơn đại hồng thủy vẫn tiếp tục tàn phá Thái Lan.

Đợt nghỉ bất thường vì lũ lụt

Ngày 25-10, Don Mueang - sân bay lớn thứ hai ở Bangkok đã phải đóng của khi dòng nước lũ tràn vào Thủ đô. Cùng với đó, nhà chức trách đã phải tuyên bố quyết định nghỉ bất thường sau cuộc họp của chính phủ về tình hình lũ lụt tại sân bay Don Mueang ở phía Bắc thành phố. Theo đó, các trường học, cơ sở kinh doanh và cơ quan chính phủ ở Thủ đô Bangkok và 20 tỉnh khác sẽ tạm ngừng hoạt động trong 5 ngày từ 27 đến 31-10. Ngân hàng trung ương Thái Lan cũng đang xem xét khả năng đóng cửa thị trường chứng khoán trong những ngày nghỉ đột xuất này. Ban quản lý sân bay Don  Mueang phải tạm hoãn các chuyến bay nội địa, sau khi 2 hãng hàng không thông Orient Thai Airlines và hãng hàng không giá rẻ Nok Air thông báo tạm ngừng các chuyến bay.