Trọng chữ tình

ANTĐ - Hào sảng, phóng khoáng trong cách nghĩ, cách làm, nhạy bén trong kinh doanh, sẵn sàng tiếp thu cái mới, nhưng cũng nghĩa khí, nghĩa tình trong cách ứng xử với bạn bè. 

Sài Gòn rực rỡ nắng xuân

Đó là cảm nhận của những ai đã, đang sống, tiếp cận và hòa vào dòng chảy của TP.HCM hôm nay. Bạn tôi, nhà thơ Bùi Thanh Tuấn, người đã viết “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” bảo vậy. Rồi hắn luận về Tết, về không khí sôi động, ồn ã của phố phường khói bụi. Sài Gòn trông xô bồ, tạp nham thế, mà cận Tết, cái se lạnh hiếm thấy, như heo may Hà Nội, đã khiến lòng người thanh thản, cuộc sống chậm lại. TP.HCM dường như nhẹ nhàng, e ấp, tỏa sự rực rỡ hơn từ những nụ cười, sự chân thành.

Với Tết cổ truyền của người Việt, dẫu Nam, Trung hay Bắc đều coi trọng chữ tình. Dầu có làm ăn ở nơi xa “tận chân trời góc bể” thì con, cháu đều nhớ ngày Tết để về sum họp gia đình, thắp nén nhang lên bàn thờ ông bà mà báo công trạng, hay ăn năn hối lỗi với những việc mình làm chưa đúng! Ở TP.HCM, ngày 30 Tết, những bà má, dì Hai mới gói bánh chưng, bánh tét, kho một nồi thịt, trứng vịt, bày mâm ngũ quả, chuẩn bị thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên. Trước đó, bác Năm, chú Bảy cẩn thận lau bàn thờ, đánh bóng bóng lư hương để chờ thời khắc thiêng liêng, thắp nén tâm nhang mà cầu cho tổ tiên phù hộ cho con cháu, cho họ hàng trong gia tộc hạnh phúc. 

TP.HCM là mảnh đất hội tụ trăm nghề, trăm dòng tộc. Vì thế, với người phương Nam, chữ tình bao giờ cũng được trọng. Hàng xóm ai biết nhà nấy, cả năm chẳng hỏi nhau câu nào, song khi Tết đến, về quê, chỉ nhờ nhau 1 câu nói, con cái, vợ chồng trông giữ nhà, không mất mát, dù chỉ là cái chổi. Ở TP.HCM, người lao động không quan niệm anh làm nghề gì, cốt là lao động chân chính bằng sức lao động của mình. Có lẽ thế, cuộc sống đô thị vẫn mang dáng xưa, hiển hiện chất quê lương thiện, đây đó hình bóng của các bà, các mẹ tần tảo sớm hôm, gánh gồng đôi quang lặng lẽ sải qua chợ đầu mối, sự vội vã vào ca của các chị công nhân công ty may, thêu tại các khu công nghiệp... Và cũng bởi thế, cứ khi Tết, hàng trăm hộ dân, người ít người nhiều đều đóng góp chung tay lo Tết cho bà con nghèo, công nhân nghèo. Những ai không thể về quê, sẽ cùng khối phố đón Tết, cũng âm nhạc, sư tử nhảy múa, cũng rượu chúc và cũng thật nhiều giọt nước mắt xúc động, những giọt nước mắt vui, hạnh phúc, ấm áp tình người.