Trình Quốc hội đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, có áp giá trần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình ra Quốc hội chiều 2-11 đã bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, trong đó nhà nước sẽ quy định giá giá trần chứ không ấn định giá...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chiều 2-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi) ra Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm: Sách giáo khoa và Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo dự thảo luật, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.

Tờ trình nêu rõ, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

Thẩm tra tờ trình nêu trên của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng rất rộng và tác động trực tiếp tới người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Do vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá mặt hàng này để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí cần quy định giá trần với sách giáo khoa song cũng lưu ý, dự luật cần quy định bổ sung việc kiểm soát chặt tổ chức thực hiện, tuyệt đối không để thông đồng giá.

Cùng với việc bổ sung 2 mặt hàng kể trên, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Còn liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ này, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính cho biết đa số ý kiến tại uỷ ban tán thành với đề xuất của Chính phủ trong việc giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, với lý do Quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.