Triều Tiên từng đề xuất cùng Hàn Quốc thành lập Nhà nước liên bang trung lập năm 1987

ANTD.VN - Theo các tài liệu được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ ngày 30-3-2018 mới đây, vào cuối những năm 1980, Triều Tiên từng đề xuất thành lập một nhà nước trung lập trên Bán đảo Triều Tiên, có thể đóng vai trò là vùng đệm trong khu vực nhằm chuyển tiếp các chính sách còn khác biệt giữa Liên Xô và Mỹ.

Đó là vào những năm cuối cùng   của cuộc Chiến tranh Lạnh. Ngày 9-12-1987, trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã chuyển tận tay cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề xuất bí mật của Triều Tiên.

Triều Tiên từng đề xuất cùng Hàn Quốc thành lập Nhà nước liên bang trung lập năm 1987 ảnh 1Tài liệu vừa được công bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc

Đề xuất được Liên Xô gửi cho Mỹ

Ông Mikhail Gorbachev lên nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985 khi còn khá trẻ. Lúc ấy, nền kinh tế Liên Xô đang ở trong tình trạng trì trệ và phải đối mặt với sự giảm sút mạnh từ nguồn thu ngoại tệ nước ngoài vì sự sụt giá dầu mỏ trong thập niên 1980. Những vấn đề này buộc Liên Xô phải cải tổ nhằm khôi phục đất nước đang tụt hậu. 

Một trong các biện pháp mà ông Gorbachev đưa ra là tăng cường quan hệ với các nước ngoài phe Xã hội chủ nghĩa, cho phép công dân Liên Xô tiếp xúc với thế giới phương Tây, đặc biệt với Mỹ, góp phần vào việc đẩy nhanh tình hình giảm căng thẳng giữa hai nước. Nhà lãnh đạo mới của Liên Xô đã  quyết tâm đảo ngược điều kiện kinh tế đang xấu đi  thay vì tiếp tục cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây.

Trước những nhượng bộ về quân sự và chính trị của Kremlin, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi ấy đồng ý tái lập các cuộc đàm phán về các vấn đề kinh tế và giảm mức độ chạy đua vũ trang.

Cuộc đàm phán đầu tiên được tổ chức vào tháng 11-1985 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ở cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo, chỉ với một người phiên dịch tháp tùng đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 50% kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước.

Triều Tiên từng đề xuất cùng Hàn Quốc thành lập Nhà nước liên bang trung lập năm 1987 ảnh 2Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son-gwon và Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon trong cuộc đàm phán cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom ngày 9-1-2018

Lần gặp thứ hai tại Hội nghị Thượng đỉnh Reykjavik, tổ chức ở Iceland, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đưa ra một đề xuất xóa bỏ toàn bộ số tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân theo Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, tuy nhiên Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từ chối.

Và đến cuộc gặp thứ ba vào ngày 8-12-1987, hai bên đã đạt được một bước đột phá mới khi đi đến ký kết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Hiệp ước INF loại bỏ mọi loại vũ khí hạt nhân, được phóng từ tên lửa đạn đạo mặt đất hay tên lửa hành trình với tầm bắn trong khoảng 500 tới 5.500 km và cơ sở hạ tầng phục vụ nó.

Chỉ sau lễ ký kết Hiệp ước được đánh giá là thành công này đúng 1 ngày, ông Gorbachev đã chuyển cho Tổng thống Reagan bản đề xuất thống nhất đất nước của Triều Tiên. Phải chăng, đây là món quà mà ông Gorbachev tặng nước Mỹ để đáp lại điều mà ông Gorbachev cho rằng, cải thiện quan hệ với Mỹ là góp phần cho công cuộc cải tổ Liên bang Xô Viết thành công?

Triều Tiên từng đề xuất cùng Hàn Quốc thành lập Nhà nước liên bang trung lập năm 1987 ảnh 3Vận động viên hai miền Triều Tiên cùng diễu hành chung tại Thế vận hội mùa Đông Olympic Pyeongchang 2018

Nhà nước trung lập trên bán đảo Triều Tiên

Theo tài liệu mới được công bố, hồi đó, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành muốn thành lập một nền cộng hòa theo kiểu liên bang, kết hợp hai chính quyền khác nhau đại diện cho hai miền Triều Tiên, đồng thời tuyên bố đó là nhà nước trung lập có thể đóng vai trò là vùng đệm khu vực. 

Bình Nhưỡng cũng kêu gọi hai miền Triều Tiên ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau và thay thế hiệp định đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình, trong khi đề xuất thực thể mới này sẽ gia nhập Liên hợp quốc bằng một tên gọi duy nhất. Ngoài ra, Bình Nhưỡng tìm cách loại bỏ tất cả các thỏa thuận hoặc hiệp ước đạt được với các bên thứ ba, được cho là đi ngược lại mục tiêu theo đuổi tái thống nhất của Triều Tiên, yêu cầu này thực chất là cách thức gây sức ép buộc Seoul từ bỏ Hiệp ước phòng vệ chung Mỹ - Hàn.

Triều Tiên cũng đề xuất hai miền liên Triều giảm số lượng binh lính tương ứng xuống chưa đầy 100.000 người, như một bước đi hướng tới việc thiết lập trạng thái hòa bình, kêu gọi việc rút toàn bộ vũ khí hạt nhân và binh lính nước ngoài khỏi bán đảo Triều Tiên, dường như nhắm vào quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Tài liệu này cũng đề cập tới việc nối lại đàm phán liên Triều như một điều kiện tiên quyết mở đường cho sự chung sống hòa bình của hai miền trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cả Washington và  Matxcơva tiến hành các biện pháp cân bằng lẫn nhau để xoa dịu căng thẳng trong khu vực.

Triều Tiên từng đề xuất cùng Hàn Quốc thành lập Nhà nước liên bang trung lập năm 1987 ảnh 4Người dân hai miền Triều Tiên khao khát hòa bình và thống nhất

Thất bại vì phi thực tế

Chỉ 5 ngày sau cuộc gặp giữa ông Gorbachev và Tổng thống Reagan, một điện tín ngày 14-12-1987, gửi từ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ về Seoul cho biết, ông Gorbachev đã liên hệ lại với ông Colin Powell, khi đó là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về các đề xuất của Bình Nhưỡng. Ông Powell hứa hẹn sẽ sớm nghiên cứu các đề xuất kể trên và đề nghị các bên giữ bí mật về diễn biến này. Không lâu sau, Washington phản hồi rằng nên để Seoul tự giải quyết vấn đề này.

Chính phủ Mỹ cũng đánh giá các đề xuất của Triều Tiên là phi thực tế, trừ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành có các bước đi thể hiện thiện chí xây dựng niềm tin giữa các bên. Mỹ cho rằng tổ chức các đối thoại liên Triều sẽ là điều kiện tiên quyết để mở đường cho sự chung sống hòa bình giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.  Ngoại trưởng Hàn Quốc Choi Kwang-soo khi đó cũng phê phán đề xuất của phía Triều Tiên là “viển vông và phi thực tế”.

Trước thái độ hoài nghi của Mỹ và Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Eduard Shevardnadze đã đưa ra đề xuất giảm căng thẳng liên Triều mới với nội dung ít tham vọng hơn những gì Bình Nhưỡng đề nghị. Theo đó, Matxcơva và Washington sẽ thúc đẩy cho hai miền Triều Tiên cùng lúc gia nhập Liên hợp quốc dưới cùng một tên gọi. Tuy nhiên, những dự tính này cuối cùng vẫn không thành hiện thực. Hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên, với hai tên gọi chính thức khác nhau đều được công nhận là thành viên Liên hợp quốc vào năm 1991.

Giữa lúc Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng 4 và tháng 5-2018 tới đây, tài liệu được giải mật này góp phần cho dư luận thấy rằng, Triều Tiên đã từng ở tình thế tương tự. Hãy chờ đợi xem, nhà lãnh đạo trẻ tuổi và quyết đoán Kim Jong un của CHDCND Triều Tiên sẽ xử trí như thế nào.

Giữa lúc Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng 4 và tháng 5 tới đây, tài liệu được giải mật này góp phần cho dư luận thấy rằng, Triều Tiên đã từng ở tình thế tương tự. Hãy chờ đợi xem, nhà lãnh đạo trẻ tuổi và quyết đoán Kim Jong-un sẽ xử trí như thế nào.