Triết gia và nông dân

ANTĐ - Một vị có dáng vẻ triết gia đứng bên hồ lặng im hồi lâu nhìn đàn cá bơi tung tăng trong nước, không nói một lời. Ông lão nông dân ngồi câu cá gần đó lấy làm lạ, hỏi vị triết gia đang nghĩ ngợi điều gì. Triết gia chỉ vào đàn cá, nói: “Tôi đang xem con cá nào béo hơn một chút”. Ông lão nông dân xoa đầu, thắc mắc: nhiều cá như vậy, bơi đi bơi lại hoa mắt, làm sao nhìn rõ con nào béo? “Cá động, còn tôi thì tĩnh”, triết gia trả lời. Ông lão không hiểu lắm, bèn tập trung vào việc của mình.

Mãi lâu sau, thấy triết gia vẫn đứng đó, ông lão lại hỏi: cứ đứng nhìn như vậy mà không bắt thì có tác dụng gì? Triết gia liếc nhìn, hờ hững trả lời: “Tôi đang nghĩ xem nên nấu cá thành món gì”. Ông lão nông dân càng thấy khó hiểu: “Nhưng cá vẫn ở trong hồ, ông chưa câu đã nghĩ xem nấu thế nào chẳng phải vội quá hay sao?”. “Đó là điểm khác biệt giữa tôi và ông. Thế nên tôi mới là triết gia, còn ông là nông dân. Việc gì cũng phải nhìn xa trông rộng, không thể chỉ nhìn ngay trước mắt”, triết gia ngạo mạn nói. Cuối ngày hôm đó, ông lão nông dân xách xô cá đầy về nhà, cùng gia đình ăn một bữa no nê, còn triết gia ôm bụng rỗng đi ngủ, nghĩ tới việc ngày mai sẽ đi bẫy chim, sau đó làm thành món này món nọ.

Trong cuộc sống có rất nhiều người như vị triết gia kia, ăn to nói lớn, một tấc đến trời, nhưng lại coi thường thực tiễn, kết cục là chẳng được việc gì. Chân lý rất giản đơn: dù tầm nhìn của bạn có xa đến đâu, mục đích có cao vời đến đâu, cứ bắt tay vào làm thật rồi hãy nói.