Triển lãm nhật ký cô gái nhỏ làm đau lòng người đọc vì khát khao sống

ANTĐ - Được so sánh với nhật ký Đặng Thùy Trâm bởi có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là cùng trong bối cảnh chiến tranh, nhật ký Anne Frank chính thức được triển lãm tại trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam.

Sáng 10-12, tại trường THPT chuyên Hà Nội-Asmterdam, thầy và trò nhà trường đã được tiếp đón ngài Thị trưởng Amsterdam Eberhard van der Laan, bà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nienke Trooster, cùng đoàn khách Chính phủ Vương quốc Hà Lan tới thăm.

Ngài Thị trưởng Amsterdam cùng đoàn công tác Chính phủ Vương quốc Hà Lan đến thăm trường Hà Nội-Amsterdam

Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết, 29 năm kể từ ngày thành lập trường năm 1985, từng ngày bồi đắp mối quan hệ thắm thiết giữa hai thủ đô nước Việt Nam và Hà Lan bằng sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh tài năng. Bày tỏ sự vui mừng trước sự khẳng định vị trí hàng đầu quốc gia của trường Hà Nội Amsterdam, ngài Thị trưởng Amsterdam chia sẻ niềm tự hào vì người dân Hà Lan đã góp sức tạo nền móng cho qua trình hình thành  phát triển của nhà trường. 

Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu về bước trưởng thành của ngôi trường xây dựng bằng tình hữu nghị

Cũng trong chuyến thăm này, ngài Thị trưởng Amsterdam cùng các đại biểu đã dự buổi khai mạc triển lãm nhật ký chiến tranh Anne Frank, người có nhiều điểm tương đồng với Đặng Thuỳ Trâm. Cô nổi tiếng khắp thế giới với cuốn nhật ký thể hiện niềm khát khao cuộc sống, truyền tải tính nhân văn cho nhiều thế hệ sau này dù bản thân trưởng thành và hy sinh trong chiến tranh khi tuổi còn rất trẻ.

Lễ cắt băng khánh thành triển lãm Anne Frank tại trường Hà Nội-Amsterdam

Cuốn nhật ký của Anne Frank chỉ được phổ biến sau biến cố bắt bớ và hủy diệt người Do Thái tại những trại tập trung của quân phát xít Đức trong Thế chiến thứ II. Tác giả Anne Frank bị bắt khi cô vừa tổ chức sinh nhật 15 tuổi. Sau hơn 700 ngày trốn tránh trong căn phòng bí mật tại Amsterdam, Anne Frank cùng bố mẹ, chị gái và 4 người Do Thái cùng ở chung đã bị bắt và đưa đến các trại tập trung.

Cuốn nhật ký của Anne Frank được chia sẻ với học sinh Việt Nam

Cậu chuyện về số phận bi thảm của cô tại trại tập trung được tìm hiểu kỹ sau khi cuốn nhật ký của cô được người cha may mắn sống sót công bố sau Thế chiến thứ II. Cuốn nhật ký nổi tiếng đến mức nhiều người trên khắp thế giới  muốn được đến thăm căn phòng bí mật nơi Anne Frank trốn tránh sự săn lùng của Đức quốc xã.

Bức ảnh được cho là cuối cùng của Anne Frank và chị gái Margot trước khi bị bắt vào trại tập trung của Đức quốc xã

Ngày nay, vẫn không ít  đoàn người xếp hàng bên ngoài tòa nhà bốn tầng mang số 263 trên đường Prinsengracht thuộc thành phố Amsterdam, Hà Lan, chờ đợi tới lượt vào “căn phòng bí mật”. Tại nơi này hơn 70 năm về trước, một cô gái nhỏ tên là Anne Frank đã viết ra một nhật ký làm đau lòng mọi người trên khắp thế giới.