“Đòi” lại sân chơi cho trẻ - cuộc chiến gian nan:

Trẻ thiếu chỗ chơi không phải việc của chính quyền?

ANTĐ - Cứ mỗi dịp hè, phụ huynh lại lo lắng khi tìm sân chơi cho con em mình. Thực tế đã có nhiều mô hình xã hội hóa để làm sân chơi cho trẻ em với chi phí không đắt, song vẫn không nhiều nơi thực hiện được. Chỉ cần chính quyền địa phương thực sự vào cuộc thì việc trả lại những “góc sân và khoảng trời” đang bị chiếm dụng chính là lời giải cho bài toán sân chơi bao năm nay.
Trẻ thiếu chỗ chơi không phải việc của chính quyền? ảnh 1

Khoảng sân giữa khu tập thể A1 và A2 Thành Công biến thành nơi họp chợ

Thiếu sân chơi không chỉ là thiệt thòi lớn mà còn tác động tiêu cực lên quá trình trưởng thành của trẻ em. Những đứa trẻ chạy loăng quăng dưới lòng đường đá cầu, đá bóng… là những hình ảnh đáng buồn nhưng không có cách nào khác vì nơi đáng ra là sân chơi của các em đã bị chiếm dụng để sinh lời cho cá nhân nào đó. 

Vì sao không gian bị chiếm dụng?

Đã bao năm nay, sân giữa khu tập thể A1, A2 Thành Công đã trở thành bãi trông xe, chỗ rửa xe, hàng ăn uống... Cuối giờ chiều, người dân sống ở hai dãy nhà phải lách qua những khoảng trống chẳng còn lại bao nhiêu.

 Anh Cù Huy Hoàng (33 tuổi, trú tại phòng 502, nhà A1) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Ngày xưa khoảng sân này là nơi gắn liền với tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa với bao trò chơi như đá bóng, thả diều, trốn tìm... Nay đâu cũng là hàng quán. Chiều đón con về dắt qua sân phải hết sức để ý không ngã vào bếp than tổ ong như chơi. Sau giờ tan học, trẻ chỉ biết quanh quẩn trong nhà vì có phải lúc nào cũng có điều kiện để đưa các cháu đi các khu vui chơi như tại các Trung tâm thương mại... Bây giờ, đi đâu cũng thế, tìm quán bia dễ hơn là tìm một khoảng không có cây xanh, ghế đá chứ chưa nói gì đến cầu trượt, đu quay...”.

Tại khu tập thể Trung Tự đối diện hồ Đống Đa, em Nguyễn Hoàng An (14 tuổi) cho biết: “Hôm thì bọn em ra hồ xem bắt cá, có hôm thì chơi ngay ở cầu thang. Cũng có lúc sang khu vui chơi của khu tập thể khác, nhưng vừa xa lại ít bạn nên em cũng không thích sang đấy. Giá khu nhà em cũng có sân chơi thì tốt biết mấy”.

Trẻ thiếu chỗ chơi không phải việc của chính quyền? ảnh 2

Không có sân chơi, trẻ em rất dễ gặp thương tích khi phải vui chơi dưới lòng đường

Đó là thực tế diễn ra nhiều năm nay tại các khu chung cư cũ ở nội thành Hà Nội. Trong khi vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Điển hình nhất là các khu tập thể như Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên, Trung Tự, Thanh Xuân, Nghĩa Tân, tập thể ở Đội Cấn... và ngay các khu đô thị mới như Mỹ Đình, Trung Hòa, Nhân Chính… Những khu vực đã từng là sân chơi cho trẻ em đều trở thành nơi buôn bán, kinh doanh dịch vụ như hàng ăn, quán bia, thậm chí là họp chợ, làm bãi gửi xe... 

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ            LĐ-TB&XH, chuyên viên cao cấp về trẻ em - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhận thức của lãnh đạo địa phương về vấn đề này. “Thực tế tâm lý của một số lãnh đạo tại địa phương cho rằng đầu tư các khu vui chơi giải trí cho trẻ em không sinh ra lợi nhuận bằng các loại hình nhà hàng, khách sạn, bãi xe... vì vậy sân chơi đã thiếu lại ngày càng trầm trọng hơn”.

 Bên cạnh đó, nhiều chính quyền đang cố tình phớt lờ việc sân chơi cho trẻ bị chiếm dụng để kinh doanh. Tại phường Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), sau khi báo chí phản ánh về việc sân chơi bị lấn chiếm, thậm chí có người dân còn photo bài báo gửi lên UBND phường, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. 

Những hậu quả lâu dài

Thiếu sân chơi, trẻ em phải chơi dưới lòng đường với bao nguy hiểm rình rập, trong đó chủ yếu là tai nạn thương tích. Thậm chí cầu thang khu tập thể cũng được tận dụng thay thế cầu trượt... nên chỉ một sơ sảy nhỏ, nhẹ thì sây sát, nặng thì gãy tay gãy chân là việc rất dễ xảy ra. Rồi tai nạn đuối nước khi trẻ em ra sông, hồ chơi, tắm năm nào cũng xảy ra… Anh Phạm Tuấn Anh (khu đô thị Trung Hòa) cho biết: “Nghỉ hè là gia đình tôi rất lo lắng, chẳng dám cho con ra đường vì thiếu chỗ vui chơi an toàn. Mà ở nhà thì cháu lại cắm mặt vào tivi, máy tính..., không biết phải làm sao!”. 

Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho biết, một điều dễ nhận thấy là việc thiếu điểm vui chơi an toàn và lành mạnh đã vô hình trung đẩy trẻ em vào game, internet. Và hậu quả là các em thiếu kỹ năng sống dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.

“Việc thiếu sân chơi kéo dài như hiện nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, cũng như sự phát triển toàn diện của các em”, bác sỹ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh

Là một người quan tâm đến trẻ em, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Hồng Dương trăn trở: “Chúng ta gần như đã lãng quên sân chơi trong không gian đô thị. Vườn hoa, sân chơi là công trình hết sức quan  trọng với xã hội. Một đô thị hiện đại đến đâu mà thiếu sân chơi cho trẻ em thì không thể đánh giá là đô thị hiện đại phát triển được. Quy định về dành đất làm vườn hoa, sân chơi đã có từ cách đây hơn 10 năm, sao mãi chúng ta không làm được?”.

(Còn nữa)