- Mẹo hay để bữa ăn của trẻ không trở thành "cuộc chiến"
- Những sai lầm nghiêm trọng mẹ thường mắc khi cho trẻ ăn dặm
- Biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe vì ăn thiếu muối
Biếng ăn là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ ở độ tuổi từ 1-3. Ước tính, có đến 40% trẻ ở độ tuổi này biếng ăn bởi nhiều lý do khác nhau. Nhiều người cho rằng: bởi vì ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, trẻ đã không được thực hành thói quen ăn uống tốt nên mới dẫn đến tình trạng biếng ăn sau này. Chính vì vậy, nhiều bậc cha mẹ đã tìm đến cách ăn thức ăn dặm kiểu Nhật với mong muốn có thể giúp con cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn.
Nhiều lợi thế so với ăn dặm truyền thống
So với ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật có rất nhiều khác biệt. Nếu như ăn dặm truyền thống mang lại sự hòa quyện hương vị của nhiều loại thực phẩm thì ăn dặm kiểu Nhật lại tôn trọng hương vị nguyên bản của từng loại thực phẩm. Chính vì vậy, các loại thức ăn của trẻ sẽ được để riêng rẽ, không trộn lẫn với nhau. Việc này sẽ giúp trẻ cảm nhận hương vị nguyên bản của từng thực phẩm, phát triển vị giác, từ đó kích thích trẻ thèm ăn.
Không chỉ vậy, thức ăn theo chế độ ăn dặm kiểu Nhật cũng thô hơn vì người Nhật cho rằng như thế sẽ kích thích trẻ nhai, sau đó mới nuốt, do đó sẽ cảm nhận được vị ngon của thức ăn. Việc phải nhai cũng giúp tiết ra dịch vị khiến trẻ thấy ngon miệng hơn.
Chế độ ăn dặm kiểu Nhật cũng đề cao tính duy mỹ khi trình bày món ăn. Các bữa ăn của trẻ thường rất màu sắc và được tạo hình rất đẹp. Việc này được lý giải là để trẻ thấy đủ hấp dẫn để thưởng thức bữa ăn của mình.
Có một điều nữa mà các mẹ Nhật cũng áp dụng khi cho con ăn dặm, đó là không ép uổng, bởi vì, họ lo lắng rằng: ép con ăn sẽ khiến bữa ăn trở thành nỗi ám ảnh, từ đó, các bé sẽ càng sợ ăn hơn nữa.
“Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp các bà mẹ học được sự tỉ mỉ, cẩn thận khi chế biến thức ăn. Phương pháp này cũng giúp trẻ ăn thô sớm, cơ hàm phát triển tốt hơn khi nhai, nuốt. Thế nhưng, ăn dặm kiểu Nhật không có nghĩa là không ép con ăn. Bởi lẽ nếu con không hợp tác, chúng ta cho nhịn luôn, trẻ sẽ rơi vào tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
Và với những lợi ích không thể chối bỏ như vậy, chế độ ăn dặm kiểu Nhật đã và đang được các mẹ kỳ vọng là giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn và hết biếng ăn.
Chỉ là biện pháp hỗ trợ trẻ ngon miệng hơn
Tuy nhiên, ngần ấy ưu điểm vẫn chưa thực sự là giải pháp giúp hóa giải hoàn toàn sự biếng ăn ở trẻ. Bởi lẽ, ngay ở Nhật vẫn có những trẻ biếng ăn. Chính vì thế, chúng ta chỉ nên coi đây là một trong nhiều biện pháp hỗ trợ trẻ ăn ngon miệng hơn.
Bàn về lợi ích của ăn dặm kiểu Nhật, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp các bà mẹ học được sự tỉ mỉ, cẩn thận khi chế biến thức ăn. Phương pháp này cũng giúp trẻ ăn thô sớm, cơ hàm phát triển tốt hơn khi nhai, nuốt. Thế nhưng, ăn dặm kiểu Nhật không có nghĩa là không ép con ăn. Bởi lẽ nếu con không hợp tác, chúng ta cho nhịn luôn, trẻ sẽ rơi vào tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
Không ép ăn chỉ nên hiểu là khi trẻ khóc hay có những phản ứng dữ dội, chúng ta không nên bắt trẻ ăn bằng được. Việc này vừa khiến con cảm thấy bị ám ảnh với những bữa ăn, mà quan trọng hơn là có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sặc thức ăn vào đường thở. Đặc biệt, với những trẻ vốn đã biếng ăn, chúng ta không nên dồn ép, bắt trẻ ăn hết lượng thức ăn lớn liền một lúc mà nên chia nhỏ các bữa ra, nhưng vẫn phải đảm bảo rằng trẻ được ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết.
Ăn dặm kiểu Nhật hay bất cứ phương pháp ăn uống nào khác đều phải đảm bảo đủ các nhóm chất: tinh bột, chất béo, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất! Về mức độ thô của thức ăn, chúng ta cần tùy theo tình trạng thực tế của trẻ. Những hôm trẻ yếu mệt, hãy cho ăn thức ăn loãng và lỏng hơn thường ngày. Và mức ăn thô của mỗi trẻ cũng khác nhau, nên cần điều chỉnh để hợp lý với từng trẻ. Và tất nhiên, đừng kỳ vọng: ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp trẻ hết biếng ăn!