Những sai lầm nghiêm trọng mẹ thường mắc khi cho trẻ ăn dặm

ANTD.VN - Ăn dặm là một trong những quá trình quan trọng nhất, quyết định sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ sau này. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh còn có những suy nghĩ hết sức sai lầm về vấn đề này, khiến trẻ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.

Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao là trẻ thường bị cai sữa sớm và ăn bổ sung sớm. Đây dường như là sai lầm phổ biến nhất của cha mẹ. Nhiều bé mới 4-5 tháng, mẹ đã cho con ăn dặm vì cho rằng bổ sung tinh bột sẽ mau lớn, dễ lên cân.

Độ tuổi ăn dặm lý tưởng của trẻ là tròn 6 tháng sau khi chào đời

Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo về độ tuổi ăn dặm của trẻ là tròn 6 tháng sau khi chào đời. Hệ tiêu hóa của trẻ trong những tháng đầu đời còn non kém, ăn dặm quá sớm khiến bé không thể tiêu hóa được thức ăn dẫn đến những tác hại như nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, chậm tăng cân.

Quá ưu tiên đạm và cho con ăn ít rau

Nhiều bà mẹ sai lầm khi luôn ưu tiên đạm và cho con ăn ít rau

Nhiều mẹ nấu bột cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng... và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Bát bột phải đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm.

Theo Zing, vi chất dinh dưỡng đã được ghi nhận từ khá lâu như bệnh bướu cổ do thiếu i- ốt, tê phù do thiếu vitamin B1, còi xương do thiếu vitamin D, khô mắt, quáng gà do thiếu vitamin A. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở mức độ nặng với tỷ lệ trên 10% ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo các nghiên cứu trên thế giới, thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong và giảm tăng trưởng ở trẻ em.

Mặc dù các căn bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài về sau của trẻ nhưng theo PGS. TS Lê Thị Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, các bà mẹ thường hay bỏ qua điều này ngay trong khâu đầu tiên là chế biến thức ăn cho trẻ. Sai lầm lớn nhất của nhiều bà mẹ là cho con ăn ít rau.

Loại rau tốt nhất cho trẻ em lại chính là những loại rau có lá màu xanh sẫm hoặc củ màu vàng

 “Thậm chí ngay cả việc ăn rau, cũng được các bà mẹ lựa chọn hết sức sai lầm. Thay vì ăn cho ăn phong phú các loại rau thì các bà mẹ thường chọn rau củ như củ cải, củ su hào. Những loại rau đó có giá trị về vi chất dinh dưỡng hơn rất nhiều so với những món rau củ bình thường. Nhưng loại rau tốt nhất cho trẻ em lại chính là những loại rau có lá màu xanh sẫm hoặc củ màu vàng. Ví dụ như su hào, củ cải ít vi chất dinh dưỡng hơn nhiều so với rau muống, rau ngót. Đặc biệt trong rau ngót rất nhiều vitamin C”- TS Lê Thị Bạch Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS Mai cũng cho biết thêm, vitamin C có trong rau, củ, quả không đồng hành với vị chua của rau và quả. Quả chanh rất chua nhưng không nhiều vitamin C bằng quả bưởi.

Bắt con ăn quá nhiều và phải ăn hết khẩu phần

Không nên ép trẻ ăn nhiều quá vì sẽ khiến trẻ chán và sợ ăn

Ở mỗi tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, bé sẽ chán và sợ ăn.

Chỉ cho ăn nước, không ăn cái

Hiện nay ít bà mẹ mắc sai lầm này hơn so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bà mẹ ninh xương, nghiền rau, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi hay sợ trẻ bị hóc, ói. Thực ra, các chất dinh dưỡng, vitamin nằm trong phần xác thực phẩm là chính.

Không cho hoặc cho rất ít dầu

Điều này khiến bát bột không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu.

Nghiền nhuyễn mọi thức ăn

Nghiền quá nhuyễn mọi thức ăn khiến bé không được học nhai và dẫn đến nhanh chán

Điều này khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán. Nhiều trẻ 3 tuổi đi mẫu giáo không ăn được cơm cùng các bạn do ở nhà bố mẹ vẫn cho ăn cháo xay.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào lại lấy ra xay rồi nấu lại. Với cách này, cháo bữa sau sẽ có mùi khó chịu, rau giảm chất lượng và chắc chắn trẻ sẽ không thích ăn.

Các bữa ăn kéo dài quá lâu

Nhiều người cố bắt con ăn hết bát bột, vừa ăn vừa chơi hay đi rong có khi kéo dài cả 1-2 tiếng. Điều này vừa làm bát bột vữa, khó ăn, vừa khiến bé thêm chán. Hơn nữa bữa ăn kéo dài khiến thời gian tới bữa sau quá ngắn, bé còn chưa kịp cảm thấy đói. Vòng luẩn quẩn này khiến bé ngày càng không muốn ăn. Tốt nhất, bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, dù bé mới ăn được ít cũng nên kết thúc.

Hiện nay, tại các trạm y tế thường hay mở các lớp hướng dẫn các mẹ thực hành nấu bột/cháo cho trẻ, đồng thời trả lời những thắc mắc của các mẹ về vấn đề dinh dưỡng của con.

Tại lớp học, bác sĩ về dinh dưỡng sẽ thực hành cách nấu một bữa bột/cháo hoàn chỉnh cho con với lượng và tỉ lệ các loại thực phẩm thích hợp cho từng lứa tuổi.

Dưới đây là gợi ý về chế độ ăn bột/cháo của trẻ trong 2 năm đầu (kết hợp với các bữa phụ + sữa mẹ hoặc sữa công thức):

- 6-7 tháng: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 - 200 ml

- 8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200 ml.

- 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml - 250 ml

- 12 - 24 tháng: 3 bữa cháo 250 - 300 ml

- 24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình.

Với mỗi bé, tùy thể chất, khẩu vị có thể thời gian và số bữa khác đi.