Trẻ em đang phụ thuộc vào Internet như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trẻ em nghiện Internet, đặc biệt là trò chơi điện tử đang là vấn đề đau đầu của nhiều gia đình. Theo một khảo sát mới đây, có 60,9% trẻ em tham gia trả lời lo ngại tình trạng nghiện Internet.
Điện thoại thông minh được nhiều trẻ em lựa chọn để chơi game

Điện thoại thông minh được nhiều trẻ em lựa chọn để chơi game

Dự thảo báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nêu lên thực trạng đáng lo ngại về việc trẻ em Việt Nam dành quá nhiều thời gian trên mạng Internet và chơi game.

Theo đó, tại Việt Nam, cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ tham gia khảo sát sử dụng Internet hơn một tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng Internet từ 1-3 tiếng/ngày;

80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố mẹ/người thân và 30,4% bố mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ.

Đáng chú ý, có 4% trẻ tham gia khảo sát cho biết các em giấu không cho bố mẹ/người thân biết mình có sử dụng Internet. Trẻ ở lứa tuổi lớn hơn thì giấu không cho bố mẹ/người thân biết về các hoạt động trên mạng Internet của mình nhiều hơn nhóm trẻ ở lứa tuổi nhỏ (7,6% so với 1,3%).

Đa số trẻ tham gia khảo sát (60%) trả lời là cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. Tuy nhiên, trẻ em cũng nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng Internet, đặc biệt là bị nghiện Internet (60,9%).

Trên thực tế, các trò chơi trực tuyến (game online) và các kênh giải trí trên mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok… ngày càng hấp dẫn với trẻ em. Trong giai đoạn dịch bệnh, do thời gian ở nhà của trẻ em nhiều hơn, trẻ em lên mạng Internet nhiều hơn.

Thậm chí, phản ánh từ cha mẹ cho thấy trẻ em còn trốn học online để chơi game và xem các chương trình giải trí, cho thấy nguy cơ nghiện Internet đối với trẻ em ngày càng hiện hữu. Chưa kể, trên mạng Internet hiện có nhiều nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em.

Theo Bộ TT-TT, sự phát triển của điện thoại thông minh ở Việt Nam đã dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của các trò chơi điện tử trên điện thoại di động. Khoảng một nửa trong tổng số 350 triệu lượt tải ứng dụng của Việt Nam là dành cho các trò chơi trên di động, chiếm 60% doanh thu điện thoại thông minh của cả nước. Các “game thủ’ trên di động ở Việt nam chơi trung bình 2,5 lần mỗi ngày và chơi trung bình 3 giờ, chủ yếu vào buổi tối từ 8 đến 11 giờ.

Vấn đề nghiện Internet, đặc biệt là trò chơi điện tử trực tuyến ở trẻ em Việt Nam đã bắt đầu nổi lên từ năm 2009. Nhiều quan ngại đã được nêu ra rằng việc chơi điện tử trực tuyến quá mức đã góp phần gây ra tội phạm vị thành niên, làm cho trẻ em bỏ học và trong một số trường hợp phải nhập viện vào Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một cuộc khảo sát do Viettrack thực hiện vào năm 2010 cho thấy, chơi game trực tuyến là một trong những hình thức giải trí chính của trẻ em Việt Nam và là hoạt động phổ biến nhất trực tuyến.

Khảo sát về sự an toàn và vai trò công dân kỹ thuật số của UNICEF năm 2012 tương tự cũng cho thấy, 82% số thanh thiếu niên ở khu vực thành thị và 32% ở khu vực nông thôn cho biết đã và đang chơi điện tử trực tuyến, chứng tỏ đây là hoạt động phổ biến nhất trực tuyến của những trẻ em tham gia khảo sát này.

Năm 2010, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thực hiện khảo sát trên 370.000 học sinh thuộc 1.000 trường học trên toàn thành phố. Kết quả cho thấy phần lớn học sinh ở Hà Nội đi đến các tiệm Internet để chơi điện tử trực tuyến từ 1 đến 3 lần mỗi tuần, mỗi lần chơi từ 1 đến 3 giờ. Cứ 4 trẻ em tiểu học ở Việt Nam thì có 3 em chơi điện tử trực tuyến vào ngày cuối tuần.

Đáng chú ý, trẻ em ở các thành phố lớn dành nhiều thời gian hơn trên mạng Internet cũng như game trực tuyến hơn trẻ em nông thôn khi thời gian chơi có thể lên tới 16 tiếng một ngày.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Bộ TT-TT đang dự thảo Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ em.