Công an Hà Nội - Bình Dương:

Trao đổi mô hình CLB phòng chống tội phạm

ANTĐ - “Cũng là phong trào hoạt động với sự tham gia tự nguyện của người dân nhưng vì sao Bình Dương lại có được nhiều điển hình, mô hình hay trên mặt trận phòng ngừa, đấu tranh tội phạm? Cơ chế, nguyên tắc để duy trì hiệu quả những mô hình - câu lạc bộ này?”, đó là những vấn đề chính mà Đại tá Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đặt ra với Công an tỉnh Bình Dương tại buổi trao đổi, học tập kinh nghiệm diễn ra sáng 3- 8.  

Các “hiệp sĩ” Bình Dương tóm gọn hai đối tượng giật dây chuyền của người dân

Trong số hơn 1,6 triệu dân đang sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương, có khoảng 700.000 người từ nơi khác đến tạm cư. Đây là vấn đề khá phức tạp đối với cơ quan chức năng trong công tác quản lý, nhất là phòng ngừa, tội phạm, tệ nạn xã hội.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này, 89 trong tổng số 91 xã, phường, thị trấn ở Bình Dương đã xây dựng mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm. “Không phải 100% câu lạc bộ phòng chống tội phạm đều hoạt động hiệu quả, nhưng sáng kiến này rất đáng ghi nhận”, Thượng tá Phạm Xuân Trường - Phó Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương cho biết. Chức năng chính của các câu lạc bộ phòng chống tội phạm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn. Nhiều câu lạc bộ đã thành lập được các đội xung kích phòng chống tội phạm, với hội viên là những công dân có sức khỏe, có ý thức và tinh thần đấu tranh chống cái “ác” trên địa bàn. “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm” được thành lập theo quyết định của chủ tịch UBND xã, phường; hoạt động dưới sự kiểm soát của công an cơ sở và ban chủ nhiệm. Hội viên tham gia câu lạc bộ không có lương, chỉ được hưởng hỗ trợ hàng tháng và trường hợp bị thương trong khi làm nhiệm vụ, họ được áp dụng chế độ chính sách tương tự với đội viên bảo vệ dân phố theo quy định của NĐ 38/CP.

Điều trăn trở lâu nay đối với Ban Giám đốc CATP là làm thế nào để thu hút được sự tham gia một cách trách nhiệm, bền bỉ của người dân vào lực lượng bán chuyên trách”, Đại tá Đinh Văn Toản chia sẻ. Nhiều năm nay, Hà Nội đã xây dựng được “bộ khung” căn bản của lực lượng bán chuyên trách, gồm công an xã, bảo vệ dân phố và bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Đây thực sự là những cánh tay nối dài của lực lượng công an, chia sẻ phần nào vất vả, khó khăn về sự thiếu biên chế.

Những kinh nghiệm chung và phương pháp riêng để xây dựng, phát huy sức mạnh của lực lượng bán chuyên trách, hay mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm giữa Công an Hà Nội và Công an tỉnh Bình Dương đã được 2 đồng chí Phó Giám đốc cùng đại diện các phòng nghiệp vụ đánh giá, đúc kết. Để qua đó đi đến nhận định chung: muốn tạo dựng được phong trào, mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả phải bắt đầu từ những “hạt nhân” nòng cốt.