- Nhiều ý kiến cử tri quan tâm đã được giải đáp thỏa đáng
- Hà Nội: Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức
- Sửa Bộ luật Hình sự năm 2015: Không vội vàng để tránh lặp lại sai sót

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, Quốc hội phát triển theo hướng thực sự là Quốc hội tranh luận nhưng làm thế nào để đạt được Quốc hội tranh luận? “Cái này Văn phòng Quốc hội cần nghiên cứu hình thức nào đó, chẳng hạn trong kỳ họp sẽ phát phiếu cho các ĐBQH xem họ cần, muốn tranh luận vấn đề gì”.
Cũng theo ông Hiển, qua các phiên thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội gần đây có thực trạng là vì chúng ta làm theo đúng thời gian nên mỗi khi kết thúc phiên thảo luận hầu hết đều còn rất nhiều ĐBQH đăng ký nhưng chưa được phát biểu, có khi tới vài chục ĐBQH chưa được phát biểu.
“Có ĐB nói với tôi là phải lên sớm, đăng ký sớm để được phát biểu. Quốc hội tranh luận mà đến phát biểu cũng khó khăn thế là lỗi của chúng ta. Tôi đề nghị có bao nhiêu ý kiến ĐBQH đăng ký phát biểu thì cho phát biểu hết mới thôi nhưng không để lấn sang ngày hôm sau, tức là các phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội có thể kéo dài đến 21-22h giờ cho đến khi ĐBQH phát biểu hết ý kiến. Hiện Quốc hội nhiều nước cũng đã làm điều này” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc kéo dài thời gian thảo luận trong ngày tại hội trường Quốc hội như vậy thì cần xin ý kiến của các ĐBQH. Theo Chủ tịch Quốc hội, qua thực tế điều hành nhiều phiên thảo luận tại nghị trường, bà cũng nhận thấy có thực trạng nhiều ĐBQH đăng ký nhưng vì hết giờ không được phát biểu rất bức xúc, song cũng có nhiều ĐBQH khi chuẩn bị hết giờ là nhấp nhổm về vì họ còn bận rất nhiều việc khác. Đấy là chưa kể đặc thù riêng của Quốc hội nước ta.
“Đúng là Quốc hội các nước họ họp nhiều khi 8-9 giờ tối vẫn sáng đèn thảo luận nhưng đặc thù của họ khác, ở họ trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, ai phát biểu cứ phát biểu còn người nào không muốn nghe thì có thể đi ra ngoài, làm việc khác. Tuy nhiên ở Quốc hội nước ta, các kỳ họp, các phiên thảo luận ở hội trường đều đòi hỏi ĐBQH phải có mặt đầy đủ ở hội trường đảm bảo sự nghiêm túc. Vì thế nếu thảo luận quá giờ, đến đêm thì chắc chắn cũng có rất nhiều ĐBQH bức xúc”.
Vẫn liên quan đến thời gian làm việc tại nghị trường Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga dẫn chứng: “Quốc hội chúng ta làm việc từ 8h đến 11h30, chiều từ 2h-5h, giải lao mỗi buổi 15-20 phút, như thế còn chưa được 6 tiếng rưỡi/ ngày. Vì thế tôi đề nghị phải làm đủ 8 tiếng theo quy định của Bộ luật Lao động”.
Về ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đó chỉ là thời gian làm việc trên hội trường Quốc hội, còn ngoài thời gian trên nghị trường, các ĐBQH còn phải nghiên cứu tài liệu và rất nhiều việc khác phải làm. “Tôi khẳng định Quốc hội của ta, các ĐBQH đều làm việc quá 8 giờ/ngày rất nhiều” – bà Ngân khẳng định.
Qua thảo luận, đa số ý kiến khác đề nghị kỳ họp của Quốc hội không nên thảo luận quá giờ như hiện nay, không nên tăng thêm số buổi làm việc trong kỳ họp vào ngày thứ 7, Chủ nhật.