Tránh “cú sốc” về giá

ANTĐ - Sau “cú” tăng giá xăng dầu như một tín hiệu cho thấy sự kìm nén giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã vượt quá sự “kiên nhẫn” của các doanh nghiệp, giá điện đã chuẩn bị dư luận cho một cuộc tăng giá mới. Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo về cơ cấu giá bán lẻ điện mới và đề xuất sẽ thực hiện từ ngày 1-7 tới. Nếu dự thảo được thông qua, giá điện cho sản xuất, tùy thời điểm sẽ tăng mạnh từ 2-7%. Nếu so sánh với biểu giá bán lẻ hiện nay, biểu giá mới sẽ tăng giá bán điện bình quân và giáng một “cú” vào khu vực sản xuất kinh doanh.

Theo biểu giá mới, giá điện giờ bình thường và giờ cao điểm sẽ tăng 4%, nhưng giá điện giờ thấp điểm tăng tới 7%. Đối với nhóm đối tượng kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, tùy cấp điện áp và giờ sử dụng, giá bán điện sẽ giảm 3-8%. Điều đặc biệt trong biểu giá mới là Bộ Công Thương tách riêng ngành xi măng, sắt thép để quy định biểu giá riêng, không cho dùng giá chung với các  ngành sản xuất khác. Giá điện bán cho các nhà sản xuất ngốn rất nhiều điện này có mức giá cao từ 59-187% giá bán điện lẻ bình quân. Mặc dù chỉ là dự thảo, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng, việc tăng giá điện sẽ càng khiến cho sản xuất kinh doanh đình đốn hơn, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Cục trưởng Cục điều tiết điện cho biết, Bộ Công Thương và Cục này đang yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán, cân đối lại chi phí phát sinh sau khi giá bán than cho điện tăng. Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của giá than đối với giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành và căn cứ theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, lúc đó mới có lộ trình, kế hoạch điều chỉnh giá điện. Không ít chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện không chỉ tác động đến đời sống người dân mà càng khiến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng điêu đứng hơn.

Tổng giám  đốc một số công ty thép cũng như Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng lên tiếng kêu cứu khi tách riêng hai ngành này để quy định biểu giá, không được hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác chắc chắn sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh “sống dở, chết dở”. Chỉ cần giá điện tăng thêm 2% là doanh nghiệp đã “chết” chắc chứ chưa nói tới tăng theo biểu giá mới. Cùng với giá xăng dầu, giá điện, tới thời điểm này đã có 61/63 tỉnh, thành phố thông qua nghị quyết điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Mức điều chỉnh viện phí của các địa phương hầu hết ở mức 60% đến mức tối đa 80%. Để việc điều chỉnh viện phí không ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, bệnh viện không tăng giá dịch vụ y tế đồng loạt vào cùng một thời điểm.

Trong bối cảnh hiện nay, điều chỉnh giá xăng dầu, điện hay giá viện phí dù ít dù nhiều đều có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Mọi lần tăng giá thường được giải thích là cần thiết, chẳng đặng đừng. Song điều cốt lõi là cần phải cân nhắc để tránh “cú sốc” về giá, thì dường như ít được tính toán hoặc không lường hết hệ lụy của nó.