Trắng tay vì cầm cố xe hơi

ANTĐ - Hơn một năm trở lại đây, cơn lốc cầm cố xe hơi đã tràn về các xã Tiến Xuân, Yên Bình (huyện Thạch Thất) và xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hàng trăm hộ nông dân ở đây đua nhau nhận cầm cố xe hơi mong được đổi đời.
 

Đối tượng Trịnh Lan Hương

Bán đất lấy vốn cầm cố xe hơi

Sau khi tách ra từ tỉnh Hòa Bình rồi sáp nhập về huyện Thạch Thất, Hà Nội, người dân Tiến Xuân bỗng giàu lên nhanh chóng bởi ngày nào cũng lũ lượt người từ nội thành Hà Nội đổ về hỏi mua đất. Vì vậy, đất đồi rừng trước đây, giờ đã trở thành những tấc vàng. Trung bình một hộ dân ở đây ít đất nhất cũng có đến chục sào, hộ nhiều lên tới bốn, năm chục sào. Từ hộ thuần nông với thu nhập chỉ vài chục triệu đồng một năm, nay bỗng chốc có trong tay tiền tỷ. Có tiền, họ không biết đầu tư vào đâu, ngoài việc gửi ngân hàng.

 

Những chiếc xe ô tô cầm cố là tang vật vụ án niêm phong tại trụ sở UBND xã Tiến Xuân 

Giữa năm 2010, khi một vài nông dân bắt đầu sử dụng xe hơi thay cho chiếc xe máy, thì người nông dân ở đây rỉ tai nhau chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đồng cầm ô tô, vừa có ngay xe hơi sang trọng để đi, lại vừa có tiền triệu để tiêu mỗi ngày. Rồi từ đó, nhiều gia đình ở Tiến Xuân thông qua “cò” nhận cầm cố ô tô để được hưởng số tiền lãi.

Theo bà Hoàng Thị Thịnh, khi thấy gia đình hàng xóm nhận cầm cố ô tô, vừa có xe lại có tiền, cuối tuần vợ chồng con cái đánh xe đưa nhau đi các điểm du lịch tham quan, ăn chơi tiêu tiền. Không chịu thua kém hàng xóm, gia đình bà đã bán đi mấy sào đất, để nhờ “cò” nhận đặt 2 xe ô tô của Công ty CP Đầu tư thương mại Tiền Phong. Sau khi giao số tiền 1,3 tỷ đồng, gia đình bà Thịnh đã nhận 2 chiếc ô tô cùng với số tiền lãi gần 3 triệu đồng/ngày. Thấy lợi, nên chỉ trong một thời gian ngắn, có tới cả trăm gia đình ở Tiến Xuân đua nhau rút tiền gửi ngân hàng lao vào cơn lốc cầm cố xe hơi...

Bí thư Đảng ủy xã mất trộm xe hơi

Những ngày giữa năm 2010, khi đến xã Tiến Xuân, nhiều người ở nội thành Hà Nội không khỏi ngạc nhiên vì những nông dân ở xã này đua nhau cưỡi xe hơi tiền tỷ đi uống rượu, hoặc đưa vợ con đi tiêu tiền trong những ngày cuối tuần… Điều đáng nói là không chỉ những nông dân nhận cầm cố xe hơi, mà cả những cán bộ lãnh đạo chính quyền xã Tiến Xuân cũng vào cuộc…

Mồng 5 Tết Tân Mão, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân, lái xe Toyota Altis đến UBND xã Tiến Xuân chúc tết. Để xe ngoài cổng UBND xã khoảng 20 phút sau khi quay ra thì chiếc xe đã biến mất. Đây là chiếc xe ô tô mà gia đình ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cầm cố. Thông tin trên nhanh chóng lan khắp xã, ngay sau đó cơ quan công an đã khẩn trương vào cuộc điều tra, phát hiện chiếc xe ô tô này đang nằm tại trụ sở của một công an quận, là tang vật trong một vụ án. Thủ phạm trộm cắp chiếc xe này chính là chủ sở hữu của chiếc xe đã bị mất, họ đã sử dụng chìa khóa phụ để lấy xe lái về giao nộp cho cơ quan công an.   

Sau vụ mất trộm xe ô tô có một không hai đó, người dân Tiến Xuân bắt đầu cảm nhận được bóng đen của con lốc nhận cầm cố ô tô. Mọi người lục lại giấy tờ xe, thì đó chỉ là bản photo có công chứng, kèm theo một bản hợp đồng thuê xe ô tô tự lái với Phùng Xuân Tân, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Tiền Phong, hoặc Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Công ty CP Vận tải xây dựng công trình giao thông. Do thiếu hiểu biết, không ít người dân Tiến Xuân cho rằng việc cầm cố xe hơi (dưới hình thức hợp đồng cho thuê xe tự lái) giữa họ với các công ty trên là hợp pháp.

Người đẹp và đường dây lừa đảo

Qua điều tra, cơ quan công an làm rõ Trịnh Lan Hương, SN 1977, ở ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Trịnh Gia (trụ sở ở 43 đường Pháp Vân, Hà Nội) đã đến một số công ty chuyên cho thuê xe tự lái để thuê 21 chiếc ô tô với giá từ 700.000 - 1 triệu đồng/ngày. Ngay sau đó, Hương trực tiếp mang 16 chiếc ô tô đến cầm cố cho Phùng Xuân Tân, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Tiền Phong và Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Công ty CP Vận tải xây dựng công trình giao thông. Số tiền cầm cố mỗi xe từ 200-300 triệu đồng tùy từng loại. Ngoài ra, Hương còn cầm cố một số ô tô cho một số đối tượng khác với số tiền hàng tỷ đồng.

Ngay khi bị bắt tạm giam, Trịnh Lan Hương, nữ giám đốc xinh đẹp 34 tuổi có bằng cử nhân kinh tế này thừa nhận: Thuê xe tự lái chỉ để mang đi cầm đồ lấy tiền tiêu xài.Trước đây Nguyễn Quang Tuyến làm Giám đốc Công ty CP Vận tải xây dựng công trình giao thông, thì Phùng Xuân Tân là Phó Giám đốc. Nhưng sau một thời gian, Tân tách ra làm ăn riêng và thành Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Tiền Phong. Hoạt động thực chất của 2 công ty chỉ là kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Sau khi nhận cầm cố ô tô do người đẹp Lan Hương mang đến, Tuyến và Tân đều yêu cầu Hương viết giấy bán xe, mặc dù biết những chiếc xe đó không phải là tài sản hợp pháp của Hương. Lãi suất cầm cố xe mà Hương phải trả cho 2 đối tượng này là 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (khoảng 12%/tháng).

Cũng ngay sau khi nhận xe từ Hương, 2 đối tượng Tuyến, Tân thông qua một số “cò mồi” ở xã Tiến Xuân mang số xe ô tô đó đến Tiến Xuân để đặt bằng (hoặc cao hơn) số tiền đã nhận đặt xe của Hương cho những người nông dân Tiến Xuân nhằm hưởng chênh lệch lãi suất (khoảng 6%/tháng). Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo ước tính,  2 đối tượng Tuyến, Tân đã chiếm đoạt đến vài tỷ đồng từ việc đặt xe ô tô cho những nông dân ở Tiến Xuân. Nhưng hiện tại, không rõ lý do gì mà chỉ có đối tượng Nguyễn Quang Tuyến bị khởi tố bị can về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, còn Phùng Xuân Tân vẫn chưa bị khởi tố…

(Còn nữa)