Trăn trở miền cát trắng

(ANTĐ) - Không đỏ sắc phượng, tím nhức màu bằng lăng như Hà Nội, những cồn cát trắng miên man vi vút phi lao ở Quảng Bình gợi nỗi nhớ thương da diết.

Kỳ 1: Khuất sau lưng tượng đài

Xã nghèo với 4 danh hiệu Anh hùng

Trước khi đến Ngư Thủy, tôi đã được nghe nhiều về vùng đất ấy: Ngư Thủy với 4 danh hiệu Anh hùng: Xã Anh hùng, đại đội nữ pháo binh Anh hùng, Trung đội du kích Tây Thôn Anh hùng, Đồn Biên phòng 200 Anh hùng; Ngư Thủy xưa bị kẻ thù đánh phá ác liệt nhưng vẫn kiên trung bất khuất và Ngư Thủy hôm nay vẫn còn nghèo lắm. Biết vậy, nhưng khi đặt chân đến đây, vẫn thấy dâng lên những cảm xúc lạ kỳ, khó tả.

Ngư Thủy xưa, nay là 3 xã: Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Bắc. Con đường nối liền các xã dài 32km được rải đất đỏ, nghe đồng chí công an huyện đi cùng đoàn nói mới hoàn thành năm 2004. Khi xe vừa đi vào con đường đó, cũng có người tỏ ra lo ngại trước đám bụi đất đỏ cuốn tung trong gió. Ai biết, mỗi hạt bụi, mỗi tấc đất đỏ ấy đối với bà con Ngư Thủy đáng quý hơn hết thảy.

Bao quanh xóm làng là cát trắng mênh mông, đi người không đã hết sức vất vả, nói gì đến chuyện gánh gồng, chở nặng. Năm 2003, nhà nước cấp ngân sách làm đường, đất đỏ ở nơi khác được mua về đổ lên trên nền cát, chờ mưa thấm đầm xuống mới thành con đường như hiện nay. 32 cây số, mỗi cây số tốn tới gần 500 triệu đồng - một số tiền quá lớn đối với mức sống ở quê nghèo. Mới biết họ yêu quý con đường ấy đến thế.

Sau vài cây số chỉ thấy hai bên đường là những bụi rười, phi lao, xương rồng mọc trên cát trắng, những ngôi nhà lác đác hiện ra trong tầm mắt. Nhờ chương trình xóa nhà tranh tre, đến nay người dân cả 3 xã Ngư Thủy đều đã có nhà kiên cố, nhưng đây đó vẫn còn những ngôi nhà cửa mở toang trống hoác với mảnh sân chưa lát, toàn cát trắng. Những nấm mộ nằm gần nhà người sống dưới hàng phi lao, chẳng khó để hình dung ra cảnh “sống trên cát, chết vùi trong cát”. Vài đứa trẻ chạy chân trần trên cát ra xem ô tô. Bao nhiêu năm rồi, ô tô vẫn là “của lạ” với bọn trẻ xóm chài ven biển, nơi quanh năm chỉ thấy những chiếc thuyền nan bập bềnh giữa từng con sóng bãi ngang.

Thượng tá Vũ Kim Thành - Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ trò chuyện với các o “C gái”

Thượng tá Vũ Kim Thành - Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ trò chuyện với các o “C gái”

Ấm tình đồng đội

Trong chuyến đi ấy, chúng tôi may mắn gặp khá nhiều o thuộc Đại đội Pháo binh Ngư Thủy năm xưa. Những cô gái mười tám, đôi mươi khi đón nhận danh hiệu Anh hùng nay đều đã thành bà, người trẻ nhất cũng quá ngũ tuần, còn già nhất cũng đã 75 tuổi. Đại đội nữ Pháo binh khi thành lập có 37 o, người này nghỉ, người kia tiếp bước, tổng cộng lên tới 91 người, nay còn lại 85.

O Ngô Thị Thới, chính trị viên “C gái”, nay là Trưởng ban liên lạc của đại đội ở Ngư Thủy Trung ới một tiếng, các o tụ họp lại ngay. Tuổi đều đã cao, cuộc sống ngày thường lại vất vả ngược xuôi, có gặp nhau giữa đường, giữa chợ cũng chẳng đứng lại được lâu, nên mỗi dịp gặp gỡ nhau thế này đều đem đến niềm vui khôn xiết. Lại ngồi tíu tít chuyện trò, kể cho nhau nghe về mớ rau, con cá vừa đánh được, hay đứa cháu o này mới vào lớp 1, con o kia trong Nam mới gửi về biếu mẹ tấm vải hoa...   

Vui nhất là khi cùng nhau ôn lại ký ức. Ngày 7-2-1968, chỉ hơn 2 tháng sau khi thành lập, các o đã bắn cháy tàu khu trục của địch. 3 tháng sau đó, tiếp 2 tàu nữa bị hạ. Năm 1970, đại đội được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng, 37 o được Bác Hồ thưởng Huy hiệu. Giữa câu chuyện, o Trần Thị Lê, người vào dân quân năm 16 tuổi, giờ đã 2 thứ tóc trên đầu cất giọng đọc câu thơ ứng tác:

“Rời ghế nhà trường em làm pháo thủ

Sóng vỗ ngày đêm ru em ngủ

Em có ngủ đâu, thức để bắn tàu thù...”.

Cả thời thanh xuân cống hiến cho đất nước, khi hòa bình lập lại, đại đội giải thể năm 1977, các o quay về với cuộc sống thường ngày, đến nay vẫn không được hưởng bất cứ chế độ gì. Nhiều o quá tuổi lập gia đình, khi về già đành sống một mình, như o Tất, giờ đã 75 tuổi vẫn cô quạnh, thỉnh thoảng được đồng đội cũ ghé qua giúp khi cân gạo, lúc rổ khoai.

“Nhiều o còn nghèo lắm, đến cái áo, cái quần cũng phải xin của chị em”, o Lê kể giọng ngậm ngùi. Mãi tới khi bộ phim “Trở lại Ngư Thủy” được đưa lên truyền hình, nhiều người mới biết tới cuộc sống của các o và tìm về giúp đỡ. Nhiều nhà hảo tâm đứng ra quyên tiền cho các o xây nhà. Không được xây nhà mới cùng một lượt, các o nhường nhau, để người khó khăn hơn có trước.

Nước mắt không thấm cát

Chúng tôi ghé qua nhà o Nguyễn Thị Mích. Các con đã vào Nam làm thuê, giờ o sống với chồng và nuôi các cháu. Nguồn thu hầu như chẳng có, vậy mà o phải sống chung với căn bệnh suy thận, một bên đã teo lại từ lâu. Vào bệnh viện Trung ương Huế khám, chi phí quá nhiều, o Mích đành quay về, phó mặc số trời. “Đoàn này về, đoàn kia lại, cũng đều tươi cười phấn khởi, cho quà, cho lên báo, lên phim, nhưng rồi khi họ đi, tất cả trở lại quạnh hiu. Chúng tôi đều đã già cả, nhiều người ốm đau, bệnh tật, chỉ mong có được một chút chế độ của nhà nước, dù ít ỏi để phòng khi trái gió trở trời”, o Ngô Thị Kim The, Đại đội trưởng “C gái” cười buồn. 

Các o đưa chúng tôi đến tượng đài Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy nằm cách UBND xã Ngư Thủy Trung chừng 100m. Trong cái nắng xiên khoai, khu tượng đài thiếu bóng cây nhuốm màu hoang vắng tiêu điều, những cọng cỏ cố mọc len qua khe nứt ở sân xi măng cũng rũ xuống vì nắng.

Cuối năm 2005, nhà nước đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng cho xây dựng công trình, đến 2006 thì hoàn thành. Trải nắng gió mới được vài năm, tượng đài cho người sống ấy đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến ai trông thấy cũng phải xót xa. “Họ làm tượng đài về chúng tôi mà có hỏi ý kiến chi mô. Bỏ tiền tỷ ra mà chừ hoang phế coi tội quá. Chúng tôi thì chỉ mong có cái hội trường để bà con chị em gặp nhau”, o The vừa nói vừa tiện tay giật mấy bụi cỏ trên bức tường bao quanh.

Nhìn các o đứng dưới tượng đài, tôi chợt thấy mũi cay cay. Bức tượng sừng sững nhưng vô hồn, còn các o bé nhỏ và già nua, dù tinh thần vẫn còn hăng hái nhưng thân thể chẳng biết sẽ cứng cỏi được đến khi nào. Trong đầu tôi bất thần nảy ra mấy câu thơ tặng các o:

“Hết chiến tranh, em về mái nhà xưa

Bắt đất bom cày thành luống khoai, vườn sắn

Nghe ru êm những chiều biển lặng

Cát trắng thông xanh vẫn trăn trở một niềm...”.      

(Còn nữa)