Trận chiến Gạc Ma 1988: 29 năm đã qua, chưa bao giờ là cũ…

ANTD.VN - Có những sự kiện sau vài năm trôi qua đã lạc khỏi trí nhớ của nhiều người. Nhưng có những sự kiện lịch sử xảy ra hàng chục năm trước vẫn còn nguyên giá trị, để nhắc nhở các thế hệ sau về những biến cố khôn lường có thể xuất hiện trong tương lai. Trận chiến Gạc Ma 1988 cách đây 29 năm là một sự kiện như vậy!

Tại sao Trung Quốc muốn Gạc Ma? Và tại sao lại là năm 1988?

Đá Gạc Ma nằm ở vị trí chiến lược, cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm đảo Sinh Tồn. Nếu chiếm giữ được Gạc Ma, đối phương có thể khống chế đường qua lại của quân ta trong việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Từ đá Gạc Ma cho đến đá Vành Khăn ở phía đông cách nhau khoảng 170 km. Chúng nằm trên một vĩ tuyến, từ Chữ Thập cho đến Vành Khăn. Ý đồ của Trung Quốc là tạo ra một tuyến dài hơn 300 km cắt ngang biển Đông, cài răng lược với các đá, đảo mà Hải quân Việt Nam đang bảo vệ.

Trận chiến Gạc Ma 1988: 29 năm đã qua, chưa bao giờ là cũ… ảnh 1

Gạc Ma có vị trí đặc biệt quan trọng ở quần đảo Trường Sa

Bên cạnh đó, năm 1988 là thời điểm nhạy cảm, khi dư luận thế giới tập trung vào các giải pháp chính trị ở Campuchia. Trong khi Liên Xô - đồng minh quan trọng của Việt Nam khi đó – bị sa lầy ở Afghanistan, và Moscow có kế hoạch tái xây dựng quan hệ với Bắc Kinh.

Trước tình hình đó, Trung Quốc đã lần lượt “thôn tính” một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cụ thể, ngày 31-1-1988, Trung Quốc chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18-2-1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26-2-1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28-2-1988 chiếm bãi Tư Nghĩa.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Bắc Kinh đã xâm chiếm trái phép 4 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Mất Gạc Ma, Hải quân Việt Nam quyết sinh tử giữ đảo Cô Lin, Len Đao

Trước tình hình kể trên, Hải quân Việt Nam đã xác định Trung Quốc có thể tiếp tục chiếm thêm một số bãi cạn quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 115 độ.

Phán đoán này càng có thêm cơ sở, khi vào đầu tháng 3 năm 1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở đây từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: Tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ, đội tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo…

Liên tiếp vào 2 ngày 12 và 13 tháng 3 năm 1988, Hải quân Việt Nam đã điều các tàu 605 (Lữ đoàn 125) tới Len Đao, tàu HQ 604 và tàu HQ 505 tới Gạc Ma và Cô Lin để khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của chúng ta.

Trận chiến Gạc Ma 1988: 29 năm đã qua, chưa bao giờ là cũ… ảnh 2

Tàu HQ 604 được điều tới giữ Gạc Ma

Thời điểm đau thương đến vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi Trung Quốc chứng kiến hành động bảo vệ chủ quyền của Hải quân Việt Nam. Lực lượng Trung Quốc khi đó đã thực hiện nhiều hành vi khiêu khích, song không thể khuất phục ý chí kiên cường đấu tranh, bảo vệ chủ quyền hải đảo của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

Tàu Trung Quốc đã bắn pháo 100 ly vào tàu HQ 604 của Việt Nam, đồng thời đưa quân tấn công tàu, khiến tàu HQ 604 bị chìm xuống biển, bất chấp sự chống trả quyết liệt của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma, sau trận chiến chênh lệch về tương quan lực lượng cũng như phương tiện vũ khí.

Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc kể từ đó, và Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục xây dựng bất hợp pháp ở khu vực này cho tới nay.

Các chiến sĩ Việt Nam tham gia giữ chủ quyền ở Gạc Ma

Sau trận Gạc Ma, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam tiếp tục chiến đấu dũng cảm, kiên quyết đấu tranh để giữ lại đảo Cô Lin và Len Đao, buộc quân xâm lược Trung Quốc phải lùi bước. Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã được giữ tung bay trên Cô Lin và Len Đao cho tới ngày nay, sau những nỗ lực chiến đấu bảo vệ của quân và dân ta.

Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông chưa khi nào nguôi

Xét về mặt chiến lược và quân sự, Biển Đông có vị trí then chốt trong việc tạo ra ảnh hưởng trực tiếp tới không chỉ khu vực Đông Nam Á, mà cả khu vực Nam và Đông Á.

Với vị trí quan trọng như vậy, Biển Đông luôn nằm trong tham vọng của Trung Quốc nhiều chục năm qua. Đặc biệt, các vấn đề ở khu vực này càng trở nên nóng hơn từ năm 2008-2009, khi Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ cái gọi là “vùng chủ quyền” phi lý mà nước này tự đặt ra, thông qua “Đường Lưỡi Bò” (hay “Đường Chín Đoạn”) vô căn cứ, bị cộng đồng quốc tế lên án.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động đơn phương thể hiện tham vọng bá quyền độc chiếm Biển Đông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh khu vực, trong đó có những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Có thể kể tới như việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, lắp đặt hệ thống phòng không và chống tên lửa tại đây, bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại của các lãnh đạo Trung Quốc nói rằng không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo này.

Mặc dù vậy, tham vọng của Bắc Kinh đã bị giáng một đòn mạnh, khi vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết khẳng định: Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", và tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc. Trong bản phán quyết dài 497 trang, Tòa Trọng tài thuộc PCA cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.

*****

29 năm đã qua là một khoảng thời gian tương đối dài…

Nhưng nó không bao giờ có thể xòa mờ đi sự kiện lịch sử đau thương vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trước nòng súng của quân Trung Quốc, trong quá trình bám đảo, giữ chủ quyền Tổ quốc.

Và sự kiện Gạc Ma của 29 năm trước cũng chưa khi nào vơi giá trị trong việc nhắc nhở các thế hệ cháu con Việt Nam không những không được phép chủ quan, mà còn phải nỗ lực phát triển kinh tế, công nghệ, quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.