Bình thản sống như người lính

ANTD.VN - Sau trận Gạc Ma tháng 3-1988, anh Dương Văn Dũng cũng như 8 người đồng đội còn sống trở về với những vết thương và bệnh tật. Gần 30 năm qua, với biết bao thăng trầm của cuộc sống, có những lúc tưởng như gục ngã, nhưng tinh thần thép của người lính Gạc Ma năm xưa đã giúp anh đối mặt với bạo bệnh một cách bình thản...

Bình thản sống như người lính  ảnh 1

Chị Lợi phải bỏ hết công việc để ở bên chăm sóc anh Dương Văn Dũng

Vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma

Nghe anh Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thông báo: “Đồng chí Dũng Gạc Ma (anh Dương Văn Dũng, SN 1966 cựu quân nhân tàu HQ-604, Trung đoàn 63 - tiền thân của lữ đoàn 63, Quân chủng Hải quân) hiện đang điều trị ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Mong các anh em Cựu chiến binh Trường Sa cũng như các Mạnh Thường Quân góp sức chia sẻ nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần với Dũng...”, chúng tôi tìm  đến bệnh viện thăm anh và được các bác sĩ ở đây cho biết, anh đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Gặp anh, lúc anh đang ngồi trên ghế dựa, khuôn mặt hốc hác, tóc rụng gần hết do những lần xạ trị, nhưng đôi mắt vẫn toát lên vẻ kiên cường, bình thản như đối diện với bao gian nguy năm nào.

Vì đã được chị Lợi vợ anh nhắc trước nên chúng tôi tránh không nhắc đến bệnh tình của anh mà chỉ hỏi thăm sơ qua và anh cũng chỉ gật đầu nhè nhẹ. Nhưng đến khi hỏi anh về trận Gạc Ma năm ấy, dù cơ thể mệt mỏi do khối u chèn vào não nhưng anh Dũng vẫn cố gắng nói chuyện.

Anh  kể: “Trận chiến bắt đầu vào chiều tối 13-3-1988. Khi tàu HQ-604 đang thả neo gần Gạc Ma thì một chiếc tàu hộ vệ to lớn của Hải quân Trung Quốc, to gấp 3 lần tàu HQ-604, trang bị súng ống hạng nặng từ đằng xa tiến đến, áp sát tàu ta và phát loa khiêu khích với giọng nói tiếng Việt lơ lớ rằng: Đây là lãnh thổ Trung Quốc, yêu cầu tàu Việt Nam rời khỏi đây. Lời lẽ của phía Trung Quốc nghe thật nực cười, vì chúng ta đang ở trên lãnh thổ Việt Nam mà tàu Trung Quốc lại đến xua đuổi. Nhưng đó không phải là lần đầu tiên tàu Trung Quốc có luận điệu vô lý nên các chiến sĩ đều giữ bình tĩnh, ai nấy tiếp tục làm nhiệm vụ, không để mắc mưu”.

Mặc cho tàu hộ vệ Trung Quốc chạy vòng quanh uy hiếp, xua đuổi, tàu HQ-604 vẫn giữ nguyên tại vị trí đã thả neo trước đó. Sau 30 phút dùng luận điệu xuyên tạc, uy hiếp mà vẫn không đạt được ý đồ, tàu hộ vệ Trung Quốc phải rút đi. Các chiến sĩ ta sau đó nhanh chóng ăn cơm chiều rồi nghỉ ngơi, chờ thủy triều xuống để lên đảo làm nhiệm vụ.

Đúng 12h đêm ngày 13-3, theo lệnh thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, các chiến sĩ  khẩn trương tiếp cận, khảo sát và cắm cờ trên đảo Gạc Ma với tinh thần là sáng hôm sau có thể bắt tay vào xây dựng công trình trên đảo. Sau khi đo đạc khảo sát và cắm cờ xong, một số chiến sĩ ở lại canh giữ đảo, số còn lại rút về tàu nghỉ ngơi để rạng sáng là bắt tay làm nhiệm vụ.

“Thấy nhiệm vụ đầu tiên đã hoàn thành mà không gặp sự cản trở từ phía Trung Quốc, tôi và các đồng đội không ai có thể ngờ được rằng chỉ vài giờ nữa là mình phải đối mặt với trận đánh một mất một còn...”, anh Dũng nhớ lại. 

Đúng như kế hoạch, rạng sáng 14-3-1988, tàu HQ-604 tiến hành bốc vật liệu chuyển lên đảo để lính công binh xây dựng công trình. Khoảng 5h sáng 14-3, anh đang cùng anh em làm nhiệm vụ cẩu hàng trên boong xuống xuồng thì thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đứng trên phòng chỉ huy, quan sát thấy 3 chiếc tàu Trung Quốc đang lù lù tiến đến từ 3 hướng khác nhau, liền thông báo tình hình cho mọi người. 

Khi đến gần đảo Gạc Ma, 3 tàu Hải quân Trung Quốc liền thả 5 xuồng nhôm xuống biển, đưa vài chục lính thủy tay dương AK lưỡi lê tiến lên Gạc Ma. Thuyền trưởng Trừ ra lệnh anh em sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc. Lính Trung Quốc dường như theo kế hoạch đã được vạch sẵn từ trước, dàn đội hình quây vòng tròn tiến lên đảo. Những chiến sĩ trên đảo lùi dần về phía lá cờ, tạo thành “vòng tròn bất tử”. 

Anh Dũng bồi hồi nhớ lại: “Lính Trung Quốc với lợi thế số đông đã lao vào xua đuổi các chiến sĩ của ta hòng giật lá cờ để cắm cờ Trung Quốc. Thế trận khi đó nghiêng hẳn về phía địch, bởi các chiến sĩ ta chủ yếu là lính công binh, sở trường là xây dựng đảo chứ không phải cầm súng chiến đấu. Hơn nữa, chiến sĩ ta lúc đó chỉ mặc độc quần đùi, áo may ô trong khi lính Trung Quốc trang bị AK, lưỡi lê. Ban đầu, lính hai bên đánh giáp lá cà, bên này giật cờ của bên kia xuống rồi lại cắm cờ nước mình lên, tình hình hết sức căng thẳng...”.

Lúc này, tàu HQ-604 đã cho phóng loa nói tiếng Trung rằng: “Đây là đảo chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu quân đội Trung Quốc phải rời đảo”. Thế nhưng, lính Trung Quốc chẳng những không dừng lại mà 3 chiếc tàu Hải quân cũng khai hỏa, tấn công tàu HQ-604. Khi ấy, anh Thoa sau khi đã cẩu xuồng xuống biển thì theo nhiệm vụ trở về buồng máy. Tuy nhiên, khi anh vừa đến vị trí thì buồng máy bị trúng một quả pháo 100mm, bốc cháy dữ dội sau tiếng nổ inh tai.

Kể lại khoảnh khắc tàu HQ-604 bị tấn công, anh Dũng ngậm ngùi: “Máy móc bị phá hủy, dầu máy bắn tung tóe gặp lửa thì bốc cháy, tôi vừa bị thương do trúng các mảnh đạn pháo vừa bị bỏng do lửa cháy táp vào người. Cố lết mình lên boong thì thấy đạn pháo và đạn AK từ bốn phía cứ nã vào loạn xạ.

Hình như không phải chỉ có tàu bắn pháo mà lính Trung Quốc từ xuồng máy cũng nã đạn vào tàu và chiến sĩ ta. Tàu HQ-604 bị tấn công bất ngờ, không có đạn pháo để đáp trả nên cả con tàu giống như một tấm bia, một mục tiêu giả định trong cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc vậy. HQ-604 hư hỏng nặng, nước tràn vào ào ào, lắc lư, chao đảo rồi chìm dần.

Lúc tàu chìm, mấy chục chiến sĩ trên tàu hi sinh, số ít còn lại thì đều bị thương. Để sống sót, các chiến sĩ bị thương phải bám trụ vào những vật dụng trôi nổi trên mặt nước như mấy tấm gỗ vỡ từ tàu, thùng nhựa... Chẳng biết ai là ai, còn sống hay đã chết”.

Trận chiến kết thúc khi vừa bình minh, những tia nắng sớm đỏ rực chiếu xuống vùng biển nhuộm đầy máu càng bật lên cảnh tượng bi thương. Mất HQ-604, ta đã chịu nhiều tổn thất nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn chưa chịu dừng lại. Chiều  14-3-1988, Hải quân Trung Quốc quay trở lại vùng biển Gạc Ma để bắt tù binh, anh Thoa là người cuối cùng trong số 9 người lính bị Trung Quốc bắt giữ. Từ đây anh cùng 8 đồng đội phải trải qua những ngày tháng đầy ám ảnh trong ngục tù. Đối mặt với khó khăn, gian khổ, các anh vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, chống lại mọi luận điệu xuyên tạc.

Bình thản đối mặt tử thần

Anh Dương Văn Dũng cùng đồng đội được phía Trung Quốc trao trả sau gần 4 năm giam giữ. Khi trở về, những người lính Gạc Ma anh dũng lại bình lặng sống và chịu đựng những vết thương do kẻ thù gây ra. Anh Dũng trở về quê nhà tại phường Hoà Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng và lập gia đình với chị Trần Thị Lợi, người con thứ bảy trong một gia đình thuần nông.

Bình thản sống như người lính  ảnh 2

Gia đình còn giữ được Bằng vinh danh của gia tộc dành cho anh Dương Văn Dũng trong khi những kỷ vật và giấy tờ khác của anh đã bị lũ cuốn trôi năm 1999

Anh chị cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, anh cần mẫn làm ruộng, chị tần tảo với từng gánh rau ngoài chợ. Có khi những cơn đau dạ dày kinh niên, di chứng từ những tháng ngày bị tù đày ở Trung Quốc hành hạ, nhưng anh luôn chịu đựng và vượt qua. Cuộc sống tuy vất vả nhưng ngập tràn hạnh phúc. Anh chị có với nhau được một cháu trai và hai cháu gái, các cháu đều ngoan ngoãn chịu khó. 

Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi, cho đến bốn năm trước, con trai lớn của vợ chồng anh Dũng không may mất trong một tai nạn giao thông, anh thì đổ bệnh và phát hiện mình có một khối u trên não. Tai họa liên tiếp giáng xuống khiến gia đình anh lâm vào cảnh túng quẫn. Sau phẫu thuật anh không thể lao động nặng, mọi việc trong gia đình chuyển hết lên đôi vai của chị Lợi. Thương vợ nhưng không biết làm sao được, anh cố gắng giúp vợ việc nhà và lo dạy dỗ 2 cô con gái nhỏ.

Bằng tinh thần lạc quan yêu đời của người lính, anh đã vượt qua được bệnh tật cho đến giữa năm 2015, khối u di căn xuống cổ phải mổ một lần nữa. Lại một lần nữa anh vượt qua bệnh tật, nhưng thời gian ấy không kéo dài được lâu. Đến tháng 6 vừa qua, khối u lại tiếp tục di căn lên não, không thể phẫu thuật được nữa. Tình trạng sức khoẻ của anh nguy kịch, nhưng anh vẫn gắng gượng để vợ con khỏi lo lắng.

Gần đây, vì khối u phát triển, chèn vào các dây thần kinh nên anh hầu như không thể hoạt động được gì, chỉ ngồi và nằm. Anh nhập viện và được đưa vào Khoa Điều trị tích cực, nơi dành cho những bệnh nhân giai đoạn cuối. Mọi người trong gia đình giấu không cho anh biết về tình trạng bệnh, nhưng anh bảo: “Mình biết bệnh của mình chứ! Nhưng buồn đau cũng được gì đâu. Cứ bình thản mà sống như trước giờ mình vẫn sống vậy...”, rồi anh khẽ cười.

Lo anh mệt nên chúng tôi cùng chị Lợi ra ngoài ngồi nói chuyện để anh được nghỉ ngơi. Bên hành lang bệnh viện, chị không kìm nổi dòng nước mắt chực tuôn trào: “Anh mà nằm xuống thì chỉ còn ba mẹ con tôi bơ vơ. Nhà chỉ còn toàn phụ nữ...”.