Trái đất nóng lên đe dọa tính mạng hàng triệu người

ANTĐ - Trong 100 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74 độ C. Sự thay đổi có thể không phải là lớn nhưng đang diễn ra rất nhanh chóng. Nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 3 độ C trong vòng vài thập kỷ tới.

Dự đoán về việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên 3 độ C này đã được công bố trên tờ Nature Geoscience số tháng 4-2012. Những nhà nghiên cứu cho biết cần phải lên kế hoạch để đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2050. Nguyên nhân chính là do sự tăng lên của khí thải CO2 từ các hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch cùng các loại khí thải khác, khiến lượng nhiệt bị giữ lại trong bầu khí quyển, dẫn đến việc nhiệt độ Trái đất tăng lên gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên sẽ gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố hoặc nắng nóng dẫn đến ngập lụt, hạn hán. Các nhà khoa học đã cảnh báo về kỷ lục mực nước biển dâng của Trái đất. Nước biển dâng cao sẽ xâm nhập mặn vào các vùng đồng bằng ven biển, ảnh hưởng đến nông ngư nghiệp - sinh kế của nhiều triệu người. Theo kịch bản phát thải cao, thì cuối thế kỷ 21, toàn dải ven biển Việt Nam có nước biển dâng trong khoảng từ 57-73cm, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang là nơi có mực nước biển tăng nhiều nhất, đến 105cm. Tiến sĩ Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường cho biết, theo tính toán, nếu mực nước biển dâng như trên, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập; 35% dân số bị ảnh hưởng.

Trái Đất nóng lên gây hiện tượng thời tiết cực đoan 

Ủy ban Liên Chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) khẳng định sự nóng lên của Trái đất đã dẫn đến những biến đổi trong các hiện tượng thời tiết cực đoan kể từ năm 1950. Theo đó, sự nóng lên toàn cầu rất có thể làm tăng số ngày và đêm lạnh đồng thời cũng làm giảm số ngày và đêm ấm trên toàn cầu.

Các nhà khoa học của IPCC cũng dự báo Trái đất nóng lên còn gây ra nhiều thay đổi khác trong các hiện tượng thời tiết cực đoan như làm tăng các đợt nóng và nhiệt độ nóng kỷ lục trên thế giới cũng như các trận mưa lớn khủng khiếp ở Alaska, Canađa, Bắc và Trung Âu, Đông Phi và Bắc Á. Các nước trên thế giới đều phải trải qua các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai hiện đã là hiểm họa.

Bão lốc Katrina năm 2005 nhấn chìm cả thành phố New Orleans của Mỹ cho thấy các nước phát triển cũng không tránh khỏi các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng do nguy cơ dễ bị tổn thương xã hội và ngăn ngừa thiên tai không thích hợp.

La Nina là hiện tượng xảy ra khi nước ở khu vực xích đạo trên Thái Bình Dương lạnh hơn bình thường, còn El Nino là hiện tượng nước ấm ở Thái Bình Dương. Là một phần trong chu trình tự nhiên của các dòng hải lưu và gió, có chức năng tái phân phối nhiệt bằng cách chuyển nhiệt từ vùng này trên Trái đất sang vùng khác. Đến nay, các nhà khoa học chưa tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa vấn đề Trái đất ấm dần lên với những thay đổi của hiện tượng La Nina và El Nino. Thế nhưng, nhiều nhà khoa học hiện lo ngại biến đổi khí hậu do con người gây ra đang ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết tự nhiên. Mùa mưa lũ khủng khiếp ở Australia năm nay có liên quan đến hiện tượng La Nina. Paul Mayewsk, Giám đốc Viện Biến đổi khí hậu (CCI) thuộc Đại học Maine (Mỹ), cho rằng, La Nina và “người anh em sinh đôi” El Nino có thể bị ảnh hưởng bởi những cú sốc “toàn hệ thống”.


Quá nhiều động, thực vật biến mất do biến đổi khí hậu 

Việc Trái đất nóng lên làm dịch chuyển các vùng khí hậu. Các loài động, thực vật sẽ phải phản ứng thích nghi với các điều kiện khí hậu mới. Quá trình này sẽ làm thay đổi thành phần và phân bố địa lý của các hệ sinh thái. Đồng nghĩa với điều này sẽ là sự biến mất của một số động, thực vật hoặc giảm đi đáng kể.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, một số loài sẽ thích ứng tốt hơn với sự biến đổi khí hậu (BĐKH) trong khi một số khác không thích ứng nổi sẽ bị suy thoái dần. 

Theo các nhà khoa học cho biết, cho đến nay trên trái đất có khoảng 300.000 loài thực vật, 60.000 loài thân mềm (nhuyễn thể), 30.000 loài tôm cua (giáp xác), trên 1.000.000 loài côn trùng, 22.000 loài cá, 4.300 loài ếch nhái (lưỡng cư), 6.000 loài bò sát, 9.000 loài chim, 4.600 loài động vật có vú. Số loài virus, vi khuẩn lam, nấm men, nấm sợi, nấm bậc cao cũng xuất hiện rất nhiều. BĐKH với những điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt… sẽ làm cho các loài có khả năng bị giảm nhiều hơn nữa. Nhìn chung các loài sinh vật vốn nhạy cảm với các điều kiện BĐKH, hoặc đã ở tình trạng nguy cơ cao, BĐKH sẽ là mối nguy hại lớn đối với chúng. Một đánh giá cho thấy, nếu nhiệt độ tăng lên 100 độ C, khu rừng nhiệt đới ẩm Queensland, một di sản thiên nhiên thế giới ở Australia có thể giảm tới 50%, còn một số cây bị mất có thể tới 40%.

Nhiều loài có vú và loài chim sẽ bị giảm do điều

kiện sinh sống không thích hợp, nguồn dinh dưỡng bị giảm. Theo một nghiên cứu năm 2011, sự thay đổi khí hậu đang tách dần loài gấu Bắc Cực ra khỏi những tảng băng, buộc chúng phải bơi đi xa hơn để tìm kiếm thức ăn và nơi cư trú. Những con gấu Bắc Cực con đang mất dần cơ hội sống sót khi phải bơi qua những quãng đường dài trên biển cùng gấu mẹ, do tình trạng băng tan diễn ra ngày càng phổ biến tại nơi này. Thậm chí có thời điểm, thời gian bơi của chúng kéo dài đến hơn 12 ngày. Tỷ lệ chết ở các chú gấu con bơi theo mẹ trong khoảng 48 km là 45%, cao hơn 18% so với những con bơi ở khoảng cách ngắn hơn.

BĐKH khiến nhiệt độ cao, kết hợp với ánh sáng dồi dào sẽ thúc đẩy quá trình quang hợp dẫn đến tăng cường quá trình đồng hóa của cây xanh. Nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật gia tăng, một số loài thực vật quan trọng như: trầm hương, hoàng đàn, pơ mu, gõ đỏ, gụ mật… có thể bị suy kiệt. Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh phá hoại cây rừng.

Trái đất nóng lên cùng cuộc chạy đua vũ trang ở Bắc cực

Là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên nên quá trình tan chảy của sông băng Bắc Cực đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, 30% lượng khí gas tự nhiên và 13% lượng dầu chưa từng được khai thác nằm ở khu vực này. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ dự đoán tàu biển có thể thường xuyên di chuyển trên những tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực vào năm 2030 do băng tan.

Kết quả là cuộc chạy đua vũ trang ở Bắc Cực đang ngày càng nóng lên, thu hút nhiều vị khách đặc biệt gồm Mỹ, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Iceland, Thụy Điển, Canada. Nhiều hoạt động quân sự đang diễn ra tại Bắc Cực và giới phân tích nhận định những hoạt động như thế sẽ tăng mạnh trong vài năm tới.  “Một vùng đại dương từng tách biệt với phần còn lại của thế giới đang trở thành một vùng mà con người có thể tiếp cận. Hàng loạt yếu tố đang xuất hiện và củng cố lẫn nhau. Thực tế ấy khiến sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực tăng dần và mức độ hiện diện sẽ tăng dần theo thời gian”, Rob Huebert - Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Calgary tại Canada bình luận.

Cả quốc gia phải đi tị nạn vì biến đổi khí hậu 

Nếu mực nước biển tiếp tục tăng như dự đoán của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu trong những thế kỷ tiếp theo, 23 inch, thì 1.200 hòn đảo của quần đảo Maldives sẽ bị ngập trong nước. Khoảng 80% đất liền sẽ chỉ cao hơn mực nước biển chưa đến 3 m và khoảng 14 hòn đảo bị xói mòn, tờ Herald cho biết. Toàn bộ dân của Maldives, một quốc đảo thiên đường nằm ở Ấn Độ Dương, đang có nguy cơ trở thành những người tị nạn đầu tiên bị “đuổi” khỏi quốc gia đang cư trú do sự nóng lên toàn cầu.

Mặc dù người dân quốc đảo không muốn rời xa đất nước xinh đẹp nhưng “di chuyển là tình huống mà Chính phủ đã lên kế hoạch”, tờ Sydney Morning Herald đưa tin. Nhà lãnh đạo cao nhất của Maldives, tổng thống Mohamed Nasheed, coi đây là tình huống sẽ xảy ra vì thế để đảm bảo cho tương lai của mình và gia đình, vị tổng thống của quốc đảo đã kịp sắm cho mình nhiều đất đai ở nước ngoài và kêu gọi các quốc gia cho phép dân Maldives lánh nạn vĩnh viễn vì họ không còn cơ hội quay lại. Tổng thống không muốn những người dân của mình phải sống trong cảnh lưu vong dưới những túp lều tạm bợ nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ ở nước ngoài vì vậy Chính phủ Maldives nhiều năm nay đã tích lũy tiền từ nguồn thu của ngành du lịch để mua đất cho dân. 

Tình huống tương tự cũng xảy ra với một số quốc đảo khác như Kiribati và Tuvalu. Chính phủ Tuvalu đã thương lượng để Chính phủ Australia cho phép 12.000 dân Tuvalu nhập cư.

200 năm nữa dân số thế giới chỉ còn 1/3  

Các nhà khoa học Anh Mike Pilling và Crispin Tikel dự báo, với đà nóng lên của Trái đất hiện nay 200 năm nữa dân số toàn thế giới chỉ còn lại 1/3. Nhà sinh thái học Anh Crispin Tikel dự báo, mực nước Thái Bình Dương dâng cao thì một phần đất liền bị nhấn chìm, phần còn lại nhiệt độ quá cao gây rất nhiều khó khăn cho sự sống.

Việc khí hậu toàn cầu nóng lên sẽ đe dọa sinh mạng hàng triệu người trong tương lai. Giáo sư trường Đại học Leeds, Mike Pilling tuyên bố: Việc khí hậu toàn cầu nóng lên trong tương lai đe dọa sinh mạng của hàng triệu người. Trong quá khứ, năm 2003, cái nóng bất thường ở châu Âu đã làm chết 20.000 người. Theo Pilling, trong thời gian tới những đợt nắng nóng tương tự có thể tăng lên 10 lần và nguyên nhân chính là sự ô nhiễm do con người gây ra.

Các nhà khoa học Anh và Mỹ cho biết, trong 30 năm qua, độ ẩm của lớp không khí sát mặt đất và trên bề mặt Thái Bình Dương tăng 2,2%. Nếu khí hậu nóng lên 1 độ C, thì độ ẩm sẽ tăng 6%. Đến năm 2100, độ ẩm trên toàn hành tinh sẽ tăng 24%, khiến sự trao đổi nhiệt trong cơ thể người trở nên tồi tệ.

Các nhà khoa học Anh cho rằng sự thay đổi chế độ nhiệt độ trên trái đất có thể gây ra sự chết hàng loạt các loài sinh vật. Theo họ, hành tinh của chúng ta đã từng trải qua một vài thời kỳ nóng lên toàn cầu, mà một thời kỳ đã làm chết 95% số động và thực vật.

Cần giải pháp khẩn cấp toàn cầu về biến đổi khí hậu 

Tiếp tục có những cuộc tranh luận chính trị và tranh cãi về việc Trái đất thực sự đang ấm dần lên, và con người cần phải làm gì để đối phó với hiện tượng này. Người ta tìm nhiều cách để giảm thiểu lượng phát thải; thích nghi để giảm thiệt hại do sự ấm lên gây ra và đặc biệt hơn nữa là áp dụng các kỹ thuật địa chất để có thể làm giảm thiểu sự ấm lên. 

Đầu năm nay, Hội nghị cấp cao các nhà đầu tư toàn cầu về biến đổi khí hậu và các giải pháp năng lượng, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Hội nghị khẳng định thách thức về biến đổi khí hậu cần có những giải pháp khẩn cấp mang tính toàn cầu bởi hiện tượng này đã trở thành nhân tố lớn nhất trong các tính toán đầu tư trong tương lai gần.Thế giới cần một cuộc chạy đua nước rút chứ không chỉ chạy đua marathon về chống biến đổi khí hậu. Đây là một vấn đề không phải bất cứ một quốc gia nào có thể giải quyết một cách đơn độc, mà là vấn đề của cả địa cầu, của cả nhân loại.  Hầu hết các Chính phủ đã ký và thông qua Nghị định thư Kyoto với mục đích giảm phát thải khí nhà kính.

Vì vậy, bất cứ ý tưởng nào hướng đến toàn thể mọi người trên trái đất và được hưởng ứng thì tình trạng hâm nóng toàn cầu mới có thể giải quyết.