Trai An Thái, gái An Vinh

ANTĐ - Lang thang trên đất võ Bình Định, bạn thường nghe người ta nhắc đến câu ca "Trai An Thái, gái An Vinh”. Thay vì đoán già đoán non, bạn nên tìm đến hai địa danh nói trên để tìm hiểu thực hư.

Biểu diễn võ tại làng An Vinh

Trước năm 1975, làng An Vinh (thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định), có những võ sư như Hương mục Ngạc, Cai Bảy, Hương kiểm Cáo, Kiểm Mỹ...  nổi tiếng tinh thông võ nghệ, sức địch muôn người. Trong làng có cô Tám Cảng, con gái ông Hương mục Ngạc, nhìn bề ngoài liễu yếu đào tơ nhưng khi thử sức với các võ sĩ đương thời chưa hề thất bại. Cô Tám là người khởi đầu cho hình tượng “gái An Vinh” trong câu ca ngày xưa. Làng An Vinh bây giờ có rất  nhiều phụ nữ tập võ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Làng An Thái (xã Nhơn Phúc của huyện An Nhơn, Bình Định) trước kia vốn là một thị tứ nhỏ nên rất thơ mộng, quyến rũ và cổ kính. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, thầy Giáo Hiến từng đến đây mở trường dạy học, trong số các học trò của ông có 3 anh em nhà Tây Sơn. Về sau, làng An Thái có một võ sư rất nổi tiếng là cụ Tàu Sáu, một trong những huyền thoại của làng võ Bình Định. Hiện An Thái có 4 lò võ lớn là Bình Sơn, Hải Sơn, Bình Thái đạo và Hồ Hoành. Người làng An Thái ngày nay vẫn rất yêu thích võ thuật, quan niệm của họ là "trai An Thái" thì phải biết võ nghệ.

 Hội Đổ giàn ở làng An Thái rất nổi tiếng nhưng không tổ chức cố định vào một thời gian nào, có thể hai hoặc ba năm một lần. Lễ vật gồm có lá cờ phướn ghi bốn chữ: Phúc, Đức, Thần, Tài cùng với một con lợn quay được treo trên một giàn tre. Trên giàn có người chủ trò và một đội võ sĩ bảo vệ. Trong số người đi xem có nhiều vệ sĩ thuộc các võ đường nổi tiếng như An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, Suối Bèo, Trường Định... Sau ba hồi chiêng trống báo hiệu lễ cúng kết thúc, người chủ trò chặt đứt dây neo giàn. Ngay lập tức, các võ sĩ dùng mọi ngón võ, tài nghệ… phi thân lên giàn cướp con lợn quay. Sau khi cướp được lễ vật, họ liền vác con lợn lao ra khỏi đám đông, mang về địa điểm an toàn.

“Trai An Thái” với “gái An Vinh” cách nhau đôi bờ sông Kôn và cách thành phố Quy Nhơn chưa đầy 40km nên rất thuận tiện cho chuyến “thực địa” của bạn. Tiện đường, bạn ghé thăm di tích, Từ đường của những văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung… Những món ăn đặc sản dọc sông Kôn cũng rất ít xuất hiện ở những nơi khác như bún Song Thằn (làm bằng bột đậu xanh), chim Mía, rau dớn, cá niên, bánh hỏi lòng lợn…