Trả giá đắt vì dễ dãi, tin mù quáng vào quảng cáo của các spa, viện thẩm mỹ

ANTD.VN - Vốn chỉ được phép chăm sóc da và các dịch vụ làm đẹp thông thường nhưng nhiều Spa vẫn ngang nhiên làm dịch vụ tiêm filler độn cằm, lăn kim, hay các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được cấp phép làm các tiểu phẫu nhưng vẫn quảng cáo làm hút mỡ, nâng ngực…

Một phụ nữ bị biến chứng do tiêm filler nâng mũi phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị

Dù không có thống kê đầy đủ nhưng tại các bệnh viện da liễu hay một số bệnh viện lớn, con số bệnh nhân vào điều trị vì biến chứng do đi làm đẹp ở các Spa, cơ sở thẩm mỹ tư nhân rất đáng giật mình và đáng có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng đa dạng.

Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin, chỉ tính riêng những bệnh nhân bị biến chứng do tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi, nâng cằm, nâng ngực, độn mông…, trung bình mỗi tháng có khoảng từ 1-3 phụ nữ gặp tai biến nặng đến “cầu cứu” bác sĩ.

Thậm chí một khoa Da liễu của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) trung bình mỗi ngày cũng tiếp nhận 3 - 5 ca biến chứng sau lăn kim tại các cơ sở làm đẹp bên ngoài. Đa số bệnh nhân tuổi từ 19 đến 40 tuổi, trong đó có những ca biến chứng rất nặng, vùng can thiệp bị hoại tử, gương mặt biến dạng…

Điều các bác sĩ cảnh báo là rất nhiều phụ nữ đi làm đẹp một cách mù quáng, chỉ cần có người giới thiệu hoặc tin tưởng vào quảng cáo từ các spa, các cơ sở thẩm mỹ là sẵn sàng chi tiền để thực hiện những phương pháp làm đẹp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ biến chứng, dù không rõ cơ sở thẩm mỹ đó có được phép thực hiện dịch vụ hay không.

Một phụ nữ vào Bệnh viện Tuệ Tĩnh "cầu cứu" bác sĩ vì gương mặt bị tàn phá nghiêm trọng do lăn kim ở Spa

TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ, mới đây ông tiếp nhận hai bệnh nhân là bạn thân, cùng rủ nhau đi làm mũi và cùng phải nhập viện do biến chứng của chất làm đầy. Cả hai bệnh nhân đến trong tình trạng mũi đã bị hoại tử, chảy dịch. Điều đáng nói là cả hai bệnh nhân đều không biết đã được tiêm chất gì vào mũi.

ThS.BS Lã Thanh Hà, Trưởng khoa Da liễu – Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng chia sẻ về trường hợp bệnh nhân P.T.T (40 tuổi, tại Hà Nội), nhập viện cầu cứu bác sĩ trong tình trạng da mặt sần sùi, loang lổ, nám xạm, gần như biến dạng.

Hỏi bệnh thì được biết, do thấy làn da của mình có dấu hiệu của tuổi tác, da khô nên chị này đã tìm đến cơ sở làm đẹp qua quảng cáo hấp dẫn và được nhân viên ở đây tư vấn phương pháp lăn kim.

Theo ThS.BS Lã Thanh Hà, lăn kim là một can thiệp có xâm lấn. Phương pháp này cần thực hiện tại các cơ sở y tế được cấp phép và phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu có chuyên môn chứ không được thực hiện tại các Spa hay các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép thực hiện dịch vụ, bởi rất dễ xảy ra các biến chứng đáng tiếc…

Bác sĩ Hà nhấn mạnh thêm, phương pháp lăn kim không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Vậy nhưng hiện nay trên các trang mạng xã hội đang quảng cáo nhan nhản phương pháp lăn kim làm đẹp trị sẹo rỗ, sẹo lõm, nám da, mụn trứng cá… của các Spa, thẩm mỹ viện, khiến nhiều người đổ xô đi lăn kim.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 60 cơ sở làm đẹp được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép, nhưng thực tế, số lượng các spa, viện thẩm mỹ lên đến hàng trăm và đang thực hiện đủ các loại hình dịch vụ làm đẹp.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, ông cũng không hiểu sao nhiều người dân vẫn mù quáng vào những Spa, thậm chí những quán cắt tóc gội đầu để thực hiện nhấn mí, xăm môi, rất không an toàn.

Ông Cường nêu rõ, theo quy định hiện hành, các spa vốn chỉ được phép chăm sóc da và các dịch vụ làm đẹp thông thường. Còn với các cơ sở làm đẹp có bác sĩ làm việc và được Sở Y tế cấp phép mới được thực hiện dịch vụ có xâm lấn và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. 

Thậm chí, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép cũng chỉ được làm các tiểu phẫu (như cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền...) và không được làm các phẫu thuật lớn như: Căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực. Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện. 

Vì thế, người dân nếu có nhu cầu làm đẹp cần đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc đến các cơ sở thẩm mỹ có biển hiệu, tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Thu hồi giấy phép hoạt động của phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Korea

Sở Y tế Hà Nội vừa có Quyết định số 557/QĐ-SYT về việc thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korea. 

Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korea (địa chỉ tầng 6, số 99 phố Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do bà Đỗ Thị Ngọc Linh là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Phòng khám bị thu hồi giấy phép do không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện vệ sinh môi trường để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.